Nhiều địa phương khổ vì nước
Dù đã bước vào đầu tháng 9, thế nhưng Ninh Thuận vẫn chỉ có những cơn mưa nhỏ rải rác, không đủ thấm đất. Chính vì lẽ đó, không ít hồ chứa đến giờ này vẫn cạn trơ đấy, không đủ khả năng sử dụng để tưới tiêu dù chỉ là diện tích nhỏ, nhất là tại địa bàn huyện Thuận Nam và một số hồ chứa thuộc địa bàn huyện Ninh Phước.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vũ, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận), toàn tỉnh hiện có 23 hồ chứa với tổng lượng dung tích chứa trên 417 triệu m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra đến ngày hôm nay (9/9), lượng nước chỉ còn hơn 136 triệu m3, chỉ đạt trên 32% so với tổng dung tích chứa.
Riêng chỉ có hồ Sông Cái, lượng nước còn hơn 87 triệu/219,81 triệu m3 dung tích thiết kế; và hồ Sông Sắt (huyện Bác Ái) còn 27 triệu/69,33 triệu m3 dung tích thiết kế. Đáng nói hơn, trong tổng số 23 hồ chứa, đến nay, có tới 13 hồ chứa, lượng nước chưa đạt 1 triệu m3, không đảm bảo tưới, chỉ dùng phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt.
Tại huyện Thuận Nam, địa phương có đến 6 hồ chứa với dung tích chứa trên 34 triệu m3. Nay cả 6 hồ lượng nước hiện chỉ còn trên 3,6 triệu m3. Do thiếu trầm trọng nguồn nước tưới, tất cả diện tích gieo cấy ở các vùng hạ lưu của huyện đều phải ngưng sản xuất.
Ông Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết, vụ Mùa này rất khó khăn đối với huyện, vì nhiều địa phương phải ngưng sản xuất với diện tích trên 600 ha, nhiều nhất là tại xã Phước Nam. Thực hiện kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, vụ Mùa này địa phương chỉ cho gieo cấy với diện tích khoảng 900 ha, chủ yếu là ở vùng đầu nguồn công trình hồ chứa.
Không khác gì huyện Thuận Nam, tại một số địa phương của huyện Ninh Phước, 3 hồ chứa Tà Ranh, Bầu Zôn và Lanh Ra có tổng dung tích chứa 16,79 triệu m3, nay chỉ còn hơn nửa triệu mét khối nước. Cụ thể như: tại hồ Lãnh Ra, nếu có mở cống dẫn nước cũng chẳng có nước mà chảy ra để tưới.
Ông Lê Văn Tâm, ở thôn Liên Sơn 1 cho biết, do thấy khó khăn về nước tưới nên gia đình ông chỉ trồng khoảng 3 sào rau màu (trồng hành tím) và trồng hơn 1 sào cỏ cho gia súc ăn. Khi rau màu phát triển đến giai đoạn 4 lá mầm thì không còn nước để tưới. Sợ mất trắng nên ông Tâm phải bơm nước từ giếng lên để tưới, thế nhưng chỉ bơm tưới được 3 lần thì rau màu có nguy cơ ngả vàng do nước bị nhiễm mặn, hiện, chỉ trông có mưa để giải phèn cho đất.
Cân đối sản xuất để tránh thiệt hại
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho hay, do đặc trưng của một tỉnh thường hay khô hạn nên việc khó khăn về nước tưới là khó tránh khỏi. Vì thế, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là rất cụ thể, đó là ưu tiên nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh cũng như nguồn nước phục vụ cho cây trồng lâu năm.
Để đảm bảo cho sản xuất vụ Mùa này, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đặc biệt là lượng nước được tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) để chủ động phương án sản xuất linh hoạt, hiệu quả; đồng thời, tổ chức điều tiết nước hợp lý, phù hợp sản xuất cụ thể ở từng xứ đồng để tiết kiệm tối đa lượng nước tưới cho đến hết vụ, tránh xảy ra thiệt hại ở cuối vụ.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Mùa năm 2024. Cụ thể tổng diện tích sản xuất vụ Mùa của tỉnh là trên 25.300; trong đó, lúa hơn 14.200 ha; rau màu trên 11.000 ha. Ngoài các địa phương phải ngưng sản xuất vụ Mùa do không có nước tưới, các địa phương khác không đảm bảo nước tưới tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Mùa với diện tích trên 200 ha; trong đó chuyển đổi trên đất lúa trên 37 ha và đất khác trên 177 ha.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương, để đảm bảo sản xuất hiệu quả trong vụ Mùa, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, vận động nông dân xuống giống đúng thời vụ (kết thúc vào cuối tháng 9 hoặc trễ nhất tới ngày 5/10) và cơ cấu giống theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp; đồng thời, hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng các giống mới, ngắn ngày, có khảnăng kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế.
Căn cứ lượng nước tại các hồ chứa hiện nay và nguồn nước sẽ được vào các hồ trong thời gian tới, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức điều tiết cấp nước tưới cho 2 giai đoạn. Cụ thể trong giai đoạn 1, (từ ngày 25/8 đến ngày 25/9), công ty sẽ điều tiết nguồn nước tưới của 7 hồ chứa gồm: Sông Sắt; Trà Co; Cho Mo; Thành Sơn; Núi Một; Ba Chi; Lợi Hải cùng 5 hồ chứa khác là hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Sông Trâu, Bà Râu, Tân Giang để tưới cho hơn 7.500 ha cây trồng.
Trong giai đoạn 2, nếu trước ngày 5/10, lượng nước các hồ chứa được bổ sung khi có mưa, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận sẽ điều tiết cấp nước tại 7 hồ chứa gồm: Hồ Lanh Ra; Bầu Zôn; Tà Ranh; Tân Giang; Sông Biêu; Bầu Ngứ và Suối Lớn để phục vụ xuống giống giai đoạn 2 với diện tích khoảng 1.480 ha.
Ông Lê Phạm Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho hay, căn cứ cơ cấu cây trồng và khung lịch thời vụ gieo trồng vụ Mùa đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo, Công ty đã chỉ đạo Trạm thủy nông tại các huyện, thành phố khẩn trương phối hợp với các địa phương vận động người dân đẩy nhanh đổ ải đất, kết hợp nạo vét kênh mương nội đồng để tổ chức gieo cấy vụ Mùa đảm bảo đúng lịch thời vụ, chậm nhất không quá ngày 5/10.