Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và nội dung tại dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các địa biểu tại hội nghị sẽ được Bộ Công Thương ghi nhận, đồng thời sẽ tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Nghị định về quản lý phát triển cụm công nghiệp, trình Chính phủ theo đúng tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, bà Thắng cũng đề nghị, Sở Công Thương các địa phương cần tích cực hơn nữa trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có năng lực kinh nghiệm giao làm chủ đầu tư hạ tầng; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư, hoạt động tại các cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật quản lý cụm công nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và quy định khác có liên quan...
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện các cụm công nghiệp của cả nước thu hút được trên 13.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 770.000 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.
Các cụm công nghiệp cũng góp phần tích cực trong việc di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hộ gia đình ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, các cụm công nghiệp tại nhiều địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại; trong đó, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng nhìn chung còn chậm, trông chờ vào ngân sách. Việc thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt; thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp chưa được cải cách đáng kể gây tốn kém thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp. Một số cơ quan đầu mối quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn chưa phát huy tốt vai trò, hiệu quả quản lý, thiếu đồng bộ với pháp luật mới ban hành thời gian gần đây….
Báo cáo về tình hình các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Lê Văn Danh - Phó giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, theo quy hoạch, hiện tỉnh có 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích 533 ha, UBND tỉnh cũng đã giao 14 cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng.
Đến nay, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các cụm công nghiệp là gần 2.100 tỷ đồng và có 6 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 30 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.895 tỷ đồng. Qua đó, tạo việc làm cho khoảng 7.800 lao động, tỷ lệ lấp đầy của 6 cụm công nghiệp đạt khoảng 65%.
Ông Lê Văn Danh chia sẻ, hạ tầng các cụm công nghiệp đã được đầu tư bài bản, đồng bộ; đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, các chất thải, nước thải rắn… được xử lý hợp lý, triệt để. Tuy nhiên, việc quản lý, xây dựng các cụm công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Các cụm công nghiệp hiện có quy mô khá nhỏ (50 ha trở xuống) khi lập quy hoạch vẫn phải tuân theo các quy định chung về định mức xây dựng (tỷ lệ cây xanh, tỷ lệ giao thông, hạ tầng kỹ thuật...). Điều này dẫn đến suất đầu tư cao, khó thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, nên việc kết nối giữa trong và ngoài cụm công nghiệp còn gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cụm công nghiệp.
Ngoài ra, xúc tiến đầu tư, việc chuyển đổi, bàn giao cụm công nghiệp hiện chưa có hướng dẫn, nên quá trình thực hiện cũng còn lúng túng, mất nhiều thời gian để thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, hiện phần lớn cụm công nghiệp tại địa phương này đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê. Nguyên nhân phần lớn do người dân không đồng tình với đơn giá quy định của nhà nước.
Ngoài ra, nền địa chất của tỉnh Bến Trẻ yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc nguồn vốn ngân sách còn nhiều hạn chế nên đầu tư hạ tầng vào cụm công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu cho các doanh nghiệp đầu tư...
Ông Nguyễn Văn Na - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cũng nêu khó khăn là vướng mắc trong trong chuyển giao đơn vị quản lý cụm công nghiệp sang cho đơn vị sự nghiệp công lập do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa mang tính đột phá về đề xuất ý tưởng không gian, nhu cầu sử dụng đất. Ngoài ra, tỉnh cũng chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương đã ghi nhận 14 ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp của lãnh đạo các địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét bổ sung thêm thời gian thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.
Cùng đó, xem xét về quyết định giao đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và điều kiện ưu đãi hỗ trợ đối với cụm công nghiệp làng nghề.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần sửa đổi tăng quy mô cụm công nghiệp lên tối thiểu từ 100 ha; đồng thời, cần giải quyết mâu thuẫn giữa chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định thành lập cụm công nghiệp để có tính thống nhất.