Ngoài đánh bắt, người dân địa phương đã tận dụng nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào để chế biến ra các loại khô nổi tiếng, đặc trưng của địa phương.
Những ngày này, làng khô ở ấp Cảng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) trở nên nhộn nhịp khi các cơ sở sản xuất chuẩn bị các sản phẩm khô cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Gần cả tháng qua, cơ sở sản xuất khô thủy sản Thảo Nguyên (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Chị Nguyễn Như Ý, chủ cơ sở này cho hay, gia đình có tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ nên nguồn nguyên liệu lúc nào cũng tươi và phong phú chủng loại, do vậy, mức giá khô của cơ sở bán sỉ và lẻ giảm từ 5-10% so với các cơ sở khác ở địa phương. Để sản phẩm có mùi vị thơm ngon, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, người làm khô phải thực hiện nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình thực hiện như sơ chế, tẩm ướp… hầu hết đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng.
Anh Lê Văn Dũng, chủ cơ sở sản xuất khô Dũng Phượng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) cho biết, không khí sản xuất khô tại ấp Cảng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) diễn ra khá sôi nổi. Tàu, thuyền chở đầy hải sản tươi sống vào đất liền cho các gia đình, cơ sở chuyên sản xuất chọn nguyên liệu tốt nhất để phục vụ cho việc chế biến. Nghề làm khô tại ấp Cảng diễn ra quanh năm nhưng vào dịp cuối năm là thời điểm để các hộ gia đình, cơ sở làm khô đẩy mạnh sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm của thị trường Tết Nguyên đán.
Hàng năm giá khô sẽ tùy vào sản lượng đánh bắt nhiều hay ít của những tàu, thuyền của ngư dân địa phương hoạt động trên biển, với mực giá dao động từng loại khô tăng hay giảm từ 50.000 - 100.000 đồng/kg.
Chị Lâm Nguyệt Thanh, chủ cơ sở sản xuất khô Nguyệt Thanh (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) cho biết, năm nay cơ sở đã chuẩn bị gần 2 tấn khô cho thị trường Tết; trong đó, chủ yếu là bán sỉ cho các vựa khô ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Năm nay do sản lượng thủy sản khai thác của tàu, thuyền giảm hơn so với năm trước nên tùy vào loại khô có mức giá tăng như, giá khô mực tăng từ 100.000 đồng/kg, khô cá chỉ vàng tăng từ 10.000 đồng/kg trở lên, tép xẻ tăng từ 50.000 đồng/kg,...
Làng khô ấp Cảng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) là nơi nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng về chế biến và xuất bán các loại khô (cá biển), nơi đây chuyên cung cấp các loại khô đặc sản như, hắc cấy (khô cá đuối đen), khô cá khoai, cá lù đù, lưỡi trâu, tép xẻ,… Mức giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí là vài triệu đồng mỗi kg, khách hàng dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu.
Ngoài việc phục vụ cho thị trường trong tỉnh, còn phục vụ cho nhu cầu của người dân các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, nhất là thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Chị Nguyễn Thị Hằng, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hàng năm có dịp du lịch xuống tỉnh Sóc Trăng thì gia đình đều ghé tham quan tại thị trấn Trần Đề và mua khô đem về nhà; bởi khô ở ấp Cảng này vừa sạch, vừa hợp khẩu vị và chế biến theo phương pháp thủ công, không dùng các phẩm màu trong chế biến nên rất sử dụng rất an tâm và an toàn.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, làng khô ấp Cảng đã hình thành và phát triển hàng từ hàng chục năm qua, nhiều gia đình đã gắn bó lâu năm với nghề làm khô và xem đây là nguồn thu nhập chính; nhờ duy trì và phát triển nghề làm khô mà thời gian qua nhiều hộ gia đình tại thị trấn Trần Đề đã có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề) Ông Tiến Chương thông tin, thị trấn là địa phương ven biển có lợi thế khai thác và đánh bắt thủy sản, toàn thị trấn có 410 tàu, thuyền khai thác thủy sản, trong đó có 336 tàu đánh bắt xa bờ với sản lượng hàng năm đạt trên 40.000 tấn (tôm, cá). Người dân địa phương đã tận dụng nguồn lợi đó để chế biến thành các loại khô đặc trưng của địa phương, đến nay toàn thị trấn có 12 cơ sở sản xuất chế biến khô và hàng chục sạp mua bán khô trên toàn địa bàn.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề, hiện chính quyền địa phương đang rà soát, có kế hoạch xây dựng những sản phẩm khô đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP; đồng thời, tiến hành vận động hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ và vừa thành lập các tổ hợp tác sản xuất, dần tiến đến xây dựng hợp tác xã nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ trên thị trường.