Làng hoa truyền thống Ninh Giang, thuộc phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang 40km về phía Bắc được xem là thủ phủ hoa cúc của vùng Nam Trung Bộ. Từ sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đã bắt tay vào vụ hoa năm sau với việc chuẩn bị cây (que) cắm. Cây cắm được làm bằng tre để cắm giữ thân, hoa thẳng đứng và dễ vận chuyển. Đến đầu tháng Tư âm lịch bắt đầu ươm cây giống. Sau một thời gian, cây giống “mẹ” phát triển, sẽ tiến hành hái ngọn, nhúng thuốc kích rễ để tiếp tục nhân giống. Trước đây, người trồng hoa phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống từ các nhà vườn ươm của Đà Lạt. Hiện nay, một số nhà vườn đã tự ươm cây con phục vụ trồng vụ Tết.
Một trong những kỹ thuật quan trọng là phải sử dụng đèn chiếu sáng vào buổi tối để kích thích cho cây non, phát triển chiều cao, không ra nụ sớm. Chăm sóc cho đến tháng 11 âm lịch, các nhà vườn bắt đầu ngắt điện để cây ra nụ và tiến hành chọn nụ; mỗi cành chỉ giữ lại một nụ để hoa được đẹp, đều và to. Hoa cúc sẽ bắt đầu nở từ 20 tháng Chạp để cùng khoe sắc với các loài hoa khác trong dịp Tết. Hoa cúc Ninh Giang được thị trường ưa chuộng bởi nét đặc thù riêng mà vùng khác không có: như màu hoa tươi, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh; chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê, tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày Tết.
Ông Trần Minh Tự, Tổ trưởng Tổ hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống Ninh Giang cho biết, đến thời điểm này một số diện tích hoa cúc bị bệnh vàng lá do ảnh hưởng của mưa nhiều. Khi cây bị vàng lá phải chăm sóc kỹ, phun thuốc nên giá đầu tư cao hơn năm trước. Ngoài ra, chi phí tăng cao do giá phân bón, thuốc tăng cao khiến người dân lo lắng. Một số nhà vườn cho biết, khi vào đầu vụ một số chậu hoa ở trong làng Ninh Giang đã được thương lái đặt hàng. Tuy không thông qua “hợp đồng” nhưng đơn hàng đặt trước cũng giúp người nông dân yên tâm chăm sóc.
Trong không khí lao động tất bật, “dồn lực” vào cánh đồng mùa Xuân, cả gia đình ông Huỳnh Tiền (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) đã huy động thêm 3 người tích cực chăm sóc cây. Ông Huỳnh Tiền cho biết, năm nay gia đình trồng hơn 500 chậu, trong đó 250 chậu hoa cúc Đại đóa, còn lại là giống hoa cúc Pha lê, tất cả đều màu vàng. So với năm trước, năm nay, gia đình đầu tư nhiều hơn 200 chậu để cung cấp cho thị trường Tết. "Dù thời tiết có nhiều biến động nhưng chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc hoa, người dân làng hoa Ninh Giang vẫn cho ra thị trường nhưng chậu hoa tươi đẹp, nở đúng dịp Tết đến Xuân về", ông Huỳnh Tiền tin tưởng.
Theo ông Phan Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, năm nay, số lượng hoa cúc chậu và người trồng nhiều hơn so với năm 2021, 2022. Nếu như năm trước chỉ có 90 hộ trồng, năm nay tăng lên 120 hộ trồng với số lượng trên 45 nghìn chậu. Hy vọng năm nay, thị trường hoa cúc sẽ sôi động vì tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, sức mua của người dân sẽ tăng lên.
Hiện nay chưa có giá bán cụ thể nhưng giá các năm trước trung bình khoảng 1-1,5 triệu đồng/chậu tùy vào kích thước. Hoa cúc chậu của phường Ninh Giang được tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Quảng Trị, Gia Lai và xuất sang Campuchia.
Làng hoa Ninh Giang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2016. Làng có 147 hộ trồng hoa với 250 lao động và một Tổ hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống với 21 thành viên. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho “Hoa cúc Ninh Giang”.