Theo số liệu, mặc dù trong tháng 9 vừa qua lạm phát tại Argentina đã giảm nhẹ so với tháng trước đó nhưng vẫn ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 đã tăng tới 83% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng năm cao nhất kể từ tháng 12/1991. Nguyên nhân phần lớn do giá lương thực tại Argentina trong 9 tháng đầu năm tăng 69,5%. Các loại thực phẩm tăng giá nhiều nhất gồm rau, củ và các loại đậu (tăng 144,4%), dầu, mỡ và bơ (tăng 89,8%), đồ ngọt (tăng 79%).
Dữ liệu trong tháng 9 cũng đã “phá vỡ” dự báo được Chính phủ Argentina đưa ra trước đó. Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Argentina, Gabriela Cerruti, cho biết chính phủ nước này cho rằng trên thị trường đã xuất hiện tình trạng “độc quyền giá bán” đối với một số sản phẩm tiêu dùng nên sẽ phải đưa ra thêm các biện pháp để giảm thiểu tình trạng này.
Trong dự thảo ngân sách 2023 trình Quốc hội vào tháng trước, Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández ước tính Argentina sẽ kết thúc năm 2022 với mức lạm phát 95%, CPI dự kiến sẽ giảm xuống còn 60% vào năm tới. Theo Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa, dự báo lạm phát trong bản dự thảo ngân sách này mang tính "thận trọng và thực tế" và Chính phủ Argentina sẽ tìm cách chặn đà tăng lạm phát dựa trên việc củng cố trật tự tài chính, gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy đầu tư trong nước.
Dự thảo ngân sách năm 2023 do Chính phủ Argentina đề xuất được cho là “phù hợp” với các mục tiêu đặt ra trong khuôn khổ thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ trị giá 44,5 tỷ USD mà nước này đã ký hồi tháng 3 với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vào tuần trước, IMF cũng ước tính lạm phát tại Argentina sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm và kéo dài sang năm sau.
Trong phiên rà soát thứ hai liên quan tới thỏa thuận tái cơ cấu nợ, Argentina và IMF đã nhất trí điều chỉnh tăng mức dự báo lạm phát năm 2022 ở quốc gia Nam Mỹ này lên khoảng 90 - 100%. Đây là con số ước tính “thực tế hơn” so với mức dự báo 52-62% đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.