Theo một báo cáo vừa công bố mới đây, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chỉ ra rằng, trong số những ngành và lĩnh vực chịu tác động bởi lạm phát rõ ràng nhất, phải kể tới khu vực tài chính, ngân hàng.
Trong Top 5 thách thức đối với sự tăng trưởng ngành ngân hàng trong năm 2022, đầu tiên là nguy cơ rủi ro lạm phát; cùng với đó là gia tăng nợ xấu tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống, thể chế pháp luật chưa hoàn thiện, sự cạnh tranh trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và rủi ro về công nghệ, tội phạm tài chính.
Các chuyên gia về tài chính ngân hàng của Vietnam Report cũng cho hay, phần lớn các rủi ro đều có xu hướng gia tăng so với năm trước; trong đó, đặc biệt rủi ro lạm phát lan rộng. Điều này xuất phát từ bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức cao kỷ lục buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát thông qua việc quản lý giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội nên bình quân nửa đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chung (tăng 2,25%). Tuy nhiên, so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% thì hiện tại dư địa không còn nhiều.
Theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,15% so với cuối năm 2021. Dù còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% nhưng ngay từ hồi cuối tháng 5 năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng. Với tốc độ tăng trưởng lớn, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ còn rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo.
Theo dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào cuối quý III/2022 phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Thêm nữa, chính sách siết tín dụng vào mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, hạn chế cho vay mua vàng miếng và đảo nợ… cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngành. Có thể thấy rằng, định hướng nắn dòng tiền về sản xuất kinh doanh chưa bao giờ rõ ràng như năm nay, báo cáo của Vietnam Report ghi nhận.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, mặc dù, bám sát và kiên định duy trì chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và kiểm soát lạm phát; đồng thời hỗ trợ được sự phục hồi kinh tế, song thời gian tới, áp lực về lãi suất và tỷ giá sẽ rất lớn trước những sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trên toàn cầu như giá dầu biến động, cuộc chiến Nga -Ukraine sau đại dịch với các đợt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang góp phần đẩy mặt bằng lạm phát tăng cao.
Mặc dù áp lực điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tới đây rất thách thức, nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng kiểm soát CPI ở mức 4% như chỉ tiêu đề ra và đủ dư địa chính sách tiền tệ để hạn chế lạm phát nhập khẩu (giá nhập khẩu -giá mua hàng từ nước ngoài và tỉ giá đồng thời tăng hoặc chỉ một yếu tố tăng mạnh), hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trên thực tế, lạm phát giá năng lượng tại Việt Nam cũng đã kéo dài được một thời gian, Chính phủ cũng đang tính thêm các giải pháp như giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu. Nhóm thực phẩm cũng trải qua tình trạng tăng giá song Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm (chiếm 40% rổ hàng hóa), nên áp lực lạm phát ít hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bất chấp áp lực lạm phát, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều đã có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022 do sự chuyển dịch đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giá sợi nhập khẩu bình quân đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021 do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistics ở mức cao suốt trong 5 tháng đầu năm 2022. Điều này chắc chắn kéo theo chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước. Do đó, ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý III, một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022 nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc huỷ đơn đột ngột. Với chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp.
Theo đánh giá Tổng cục Thống kê, giá xăng, dầu liên tục tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm cũng đang làm cho hoạt động sản xuất ở nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn. Do tình hình lưu thông hàng hóa ở một số thị trường không ổn định đã dẫn đến sự thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu; từ đó tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực trong nước. Trong bối cảnh, doanh nghiệp trong nước phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào để hỗ trợ và thúc đẩy các ngành sản xuất duy trì sự ổn định và phát triển.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại sản xuất Trần Gia (Hà Nội) cho hay, giá logistics, giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào đang là nỗi lo lớn đối với doanh nghiệp. Để giữ chân khách hàng và cũng duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường, các đơn đặt hàng đã có hiện không thể điều chỉnh giá. Trong khi đó, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất không ngừng tăng cao mỗi ngày khiến doanh nghiệp chật vật xoay sở. Mặc dù Chính phủ chủ trương bình ổn giá cả và các phương tiện truyền thông đại chúng luôn nhắc việc kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau những tổn thương do đại dịch COVID-19, song các nguồn cung cấp chưa thẩm thấu các chính sách và chủ trương của Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân cũng đều chịu thiệt thòi.
Bài cuối: Giảm áp lực thị trường trước bão giá