Đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, để quản lý diện tích mặt bằng đã quy hoạch xây dựng tuyến cao tốc này, các địa phương sẽ sử dụng flycam bay dọc tuyến nhằm giám sát, ngăn chặn tình trạng xây dựng công trình, trồng cây dài ngày sau khi đã quy hoạch và thông báo công khai cho người dân.
Theo ông Ngô Văn Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, rút kinh nghiệm từ các dự án đường cao tốc tại một số tỉnh, thành, ngay từ khi tỉnh Lâm Đồng khởi động hồ sơ làm đường cao tốc, đoạn Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay tuyên truyền, cho bay flycam dọc tuyến thiết kế để ghi nhận hiện trạng sử dụng đất. Đây là tư liệu làm cơ sở để nhà nước tiến hành bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho hai đoạn đường cao tốc đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Ông Ngô Văn Ninh cũng cho biết, do làm tốt tuyên truyền, ghi nhận thực tế hiện trạng dọc tuyến thiết kế đường cao tốc, đến nay chưa phát hiện tình trạng người dân xây dựng công trình, trồng thêm cây trồng dài ngày nhằm mục đích yêu cầu Nhà nước bồi thường khi tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để làm đường cao tốc.
Hiện tỉnh Lâm Đồng đã cắm xong 25/55km, với khoảng 250 cọc tim tuyến không có rừng. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc 4 đoạn, giảm diện tích rừng phải chuyển đổi do xây dựng 2 tuyến cao tốc này.
Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nhằm nối liền thành phố Đà Lạt với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam hoàn toàn bằng đường cao tốc. Trong số đó, dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc nối liền huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) với thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài tuyến đường khoảng 66km, đoạn đi qua tỉnh Lâm Đồng dài 55km; bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước 6.500 tỷ đồng, phần vốn sở hữu của các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng.
Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương nối thành phố Bảo Lộc với đoạn cao tốc Liên Khương - Preen (Đà Lạt) có chiều dài tuyến đường khoảng 74km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe. Dự kiến tổng đầu tư 19.521 tỷ đồng; trong đó, phần vốn Nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 11.760 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); UBND tỉnh Lâm Đồng theo dõi và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện cả 2 dự án.
UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến khởi công xây dựng đường cao tốc, đoạn Tân Phú đi Bảo Lộc vào ngày 2/9 tới. Đoạn thành phố Bảo Lộc đi nối với cao tốc Liên Khương- Prenn (Đà Lạt) dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024. Để có nguồn vốn xây dựng 2 tuyến đường cao tốc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Sở Tài chính đề xuất phương án bán đấu giá một số khu đất ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, dự kiến sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng...