Lãi suất sẽ giảm khi CPI giảm

Mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn đang niêm yết lãi suất huy động ở mức trần 14%/năm. Do vậy, các doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cho vay cao, khoảng 16 - 18%/năm.

Chưa thể giảm ngay

Dạo quanh các phố “ngân hàng” như Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt (Hà Nội) vẫn thấy hầu hết các ngân hàng thương mại như: Việt Á, Techcombank, SHB... trưng biển huy động với mức lãi suất kịch trần 14%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động phổ biến của các ngân hàng trong suốt thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), lãi suất đầu ra bằng lãi suất đầu vào cộng thêm khoảng 2 - 2,5%. Do vậy, với việc các ngân hàng thương mại vẫn duy trì mức lãi suất huy động 14%/năm thì việc các doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất 16 - 17%/năm là bình thường.

Theo hầu hết các doanh nghiệp, mức lãi suất hiện nay là quá cao so với mức lợi nhuận họ làm ra. Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm than thở: “Lãi suất hiện nay vẫn rất cao, quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN&PTNT Bắc Giang. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Hầu hết các doanh nghiệp này đang tạm dừng các kế hoạch phát triển, mở rộng sản xuất tới khi lãi suất xuống thấp hơn”. Doanh nghiệp này cho rằng, không khó để doanh nghiệp vay được vốn nhưng lãi suất quá cao khiến họ chưa dám vay. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mức lãi suất khoảng 12%/năm là phù hợp.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trong thời gian qua, lãi suất cho vay vẫn chưa hạ được nhiều. Các doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất 16 - 17%/năm, vay tiêu dùng còn lên tới trên 20%/năm, đó là chưa kể các thủ tục vay cũng không đơn giản.

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, lãi suất cho vay của ngân hàng không phải do các ngân hàng tự đặt ra mà do cung cầu thị trường quyết định. Ngân hàng cũng chỉ là một đơn vị đi vay rồi cho vay lại. Vì vậy, nếu lạm phát giảm, ngân hàng sẽ không phải huy động với lãi suất cao nữa, đồng thời doanh nghiệp cũng được giảm lãi suất cho vay.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã qua Tết Nguyên đán nhưng lãi suất vẫn chưa thể giảm ngay. “Mặt bằng lãi suất cao, do vậy trong thời gian qua rất ít các doanh nghiệp dám vay vốn vì lãi suất cao thì khó làm ra lợi nhuận để trả lãi suất nói gì tới việc chi trả các chi phí”, ông Kiêm cho biết.

Dự kiến phải tới hết quý I/2011, lãi suất mới hạ. Do vậy, từ nay cho tới thời điểm đó thì các doanh nghiệp phải cố “chịu đựng”.

Chỉ số CPI giảm sẽ hạ lãi suất

Đáp lại sự mong mỏi của các doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 giảm xuống mức 1,4% (CPI tháng 1/2011 là 1,74%) thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm ngay lãi suất cơ bản VND. Từ đó lãi suất cho vay sẽ giảm theo.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, lãi suất huy động và cho vay vẫn cao trong thời gian qua là do dịp Tết Nguyên đán nhiều doanh nghiệp còn dự trữ hàng Tết, chi trả lương, thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên. Hơn nữa, dịp cận Tết, nhiều mặt hàng thường tăng giá như lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của cả nước đã tăng tới 1,74% so với tháng 12/2010 và tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2010.

Do vậy, Thống đốc cho biết, nếu CPI trong tháng 2 xoay quanh mức 1,4% thì Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh hạ lãi suất cơ bản VND, từ đó mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường cũng sẽ giảm theo và lãi suất cho vay cũng hạ.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN