Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Cũng trong tháng 6/2023, Việt Nam có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.746 tỷ đồng, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 103.887 người, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên ngược lại, tháng 6/2023, Việt Nam có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Theo một số chuyên gia kinh tế, do kinh tế khó khăn nên số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 806.204 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018 - 2022).
Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 75-80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ năm 2022.
“Tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng chậm cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng suy giảm dẫn đến nhu cầu vốn giảm sút…”, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, sức sống của doanh nghiệp chính là yếu tố cốt lõi để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị: Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khả năng hấp thụ vốn.
“Trong bối cảnh hiện nay, cần cố gắng đơn giản thủ tục, tạo thuận lợi, minh bạch thúc đẩy dòng vốn chảy vào doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có tiềm năng. Việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhanh 1 ngày có thể giúp cho doanh nghiệp hồi phục, phát triển, nhưng chậm 1 ngày có thể đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn. Vì thế, thời gian tiếp cận nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng và đôi khi lại là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc trăn trở.
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng chậm là do hàng tồn kho của doanh nghiệp còn nhiều, một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nguồn vốn thị trường như: Trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục.
“Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành Việt Nam có lợi thế (dệt may, da giầy, điện tử…) lại phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, xung đột xung đột Nga - Ukraine vẫn còn tiếp diễn, trong nước sức chống chịu của các doanh nghiệp sản xuất sau thời gian dài chịu tác động của COVID-19 gặp càng nhiều khó khăn, đặc biệt do thiếu vốn, khó khăn về thủ tục vay vốn, lãi suất vay vốn vẫn cao trong khi đầu ra (đơn hàng) giảm so với năm trước, lượng tồn kho vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp lao động có tay nghề nghỉ việc từ COVID-19 và chưa quay trở lại làm việc hoàn toàn…”, đại diện TCTK cho biết tại họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra ngày 29/6.
Các chuyên gia của TCTK dự báo: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sức khỏe của doanh nghiệp trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn 6 tháng đầu năm.