Những khó khăn hiện hữu
Từ giữa tháng 5/2022 đến nay, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai các dự án BĐS chưa được tháo gỡ kịp thời, đã và đang khiến thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng. Những khó khăn này, nếu không được giải quyết sớm sẽ khiến “sức khoẻ” thị trường BĐS, cộng đồng doanh nghiệp BĐS suy giảm và số đông người lao động mất việc làm, hệ lụy đến an sinh xã hội.
Lĩnh vực BĐS đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, nên thị trường đang cần sự hỗ trợ và can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước để trở lại đúng quỹ đạo. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, BĐS trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP quốc gia, lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như: Xây dựng, ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp…
Nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng chỉ ra, khi ngành BĐS tăng thêm 1.000 tỷ đồng, sẽ kích thích giá trị sản xuất của các nhóm ngành còn lại 1.192 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm 311 tỷ đồng. Đối với việc làm, số liệu thống kê chính thức vào năm 2021 có 4.545.000 người làm trong ngành xây dựng, liên quan đến các dự án BĐS và 308.000 người làm trong ngành kinh doanh BĐS.
Những con số trên thể hiện số việc làm trong ngành xây dựng và kinh doanh BĐS ở Việt Nam chiếm gần 10% tổng số việc làm (49 triệu vào năm 2021). Nếu tính tất cả số việc làm ở hệ sinh thái BĐS gồm: Phát triển quỹ đất; xây dựng; vận hành; cải tạo, nâng cấp và tái phát triển... con số sẽ lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên đến nay, thị trường BĐS như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển. Theo rà soát của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể hết năm 2022 tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được khó khăn về nguồn vốn, sẽ có thêm số lượng lớn doanh nghiệp BĐS phải đóng cửa, phá sản, tạo rủi ro và nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng thương mại. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp, làm gia tăng bất ổn xã hội...
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, giải pháp tháo gỡ nguồn vốn cho thị trường BĐS không phải là dùng tiền ngân sách để gỡ khó, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, người dân. Việc rà soát và tháo gỡ pháp lý hiện nay, nhất là cho BĐS sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng BĐS - hai kênh dẫn vốn quan trọng trong hệ thống vay của doanh nghiệp phát triển dự án.
Giải pháp tháo gỡ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Chính phủ cần sớm ban hành các điều chỉnh Nghị định 65 để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả.
Bên cạnh đó, về nguồn vốn tín dụng, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm thúc đẩy việc triển khai gói tín dụng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay ưu đãi với chủ đầu tư, nhà đầu tư, để tăng cung về nhà ở xã hội, tạo giao dịch, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể liên quan trong hệ sinh thái BĐS. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần công khai cụ thể, minh bạch thông tin về quy hoạch, giao dịch BĐS; rà soát, phân loại các dự án theo tính chất dự án và tiến độ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, để việc "giải cứu" hiệu quả, “đúng nơi đúng đối tượng”; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu để sớm tìm ra điểm cân bằng của cung cầu thể hiện ở giá cả bất động sản, thông qua đó quản lý giá để phù hợp với sức mua của người dân.
Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” trung tuần tháng 2/2023 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp đang chờ đợi một quyết sách tổng thể được ban hành, với kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm vấn đề pháp lý dự án - "điểm nghẽn" của thị trường BĐS hiện nay.
Để "phá băng" cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đang đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, khơi thông vốn tín dụng, nới trần (room) tín dụng phù hợp năm 2023 và các năm tiếp theo; có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường; tạo điều kiện để người mua nhà, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận được các chính sách tín dụng; kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá; tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn.
Về vấn đề pháp lý dự án - "điểm nghẽn" của thị trường BĐS hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, cơ chế chính sách liên quan thị trường BĐS gồm hai nhóm chính sách ngắn hạn và nhóm trung dài hạn đều đang được Chính phủ tháo gỡ. Về ngắn hạn, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ rào cản về pháp lý, giúp hàng trăm dự án được giải tỏa, kéo dòng tiền chảy theo, lấy lại niềm tin cho thị trường thông qua các chính sách như giãn - hoãn nợ, tiếp tục giãn - hoãn thuế, tiền thuê đất...