Theo bài viết, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức bền, đặc biệt là trong ứng phó với khủng hoảng. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam là một trong số ít các nước có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng. Quý I/2022, GDP của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát bước đầu được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các chỉ số tài chính, tiền tệ, tín dụng được duy trì ổn định, thu ngân sách quốc gia tăng trưởng ổn định.
Bài viết nhận định mặc dù kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, giao thông đi lại ở các thành phố lớn gần như đã trở lại trạng thái bình thường trước khi diễn ra dịch bệnh, song cũng phải đối mặt với “cơn gió ngược” từ bên ngoài. Toàn cầu hóa kinh tế gặp những khó khăn thách thức, xu hướng phát triển khu vực hóa đang dần xuất hiện, lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu... Những yếu tố này ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh thách thức của lạm phát và chuỗi cung ứng đang ngày càng rõ rệt. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu tăng mạnh đẩy lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên liệu và linh kiện sản xuất ít nhiều bị gián đoạn. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc thông quan hàng hóa tương đối nghiêm trọng, mặc dù doanh nghiệp đã đa dạng hóa các kênh vận chuyển, nhưng giá thành vận tải tăng cao gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng gây ra tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam.
Để giải quyết những khó khăn thách thức hiện nay, WB cho rằng Việt Nam cần nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng những thách thức và thực hiện được các mục tiêu phát triển, đặc biệt cần phải cải tiến trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi số, bảo hiểm xã hội và cơ sở hạ tầng.