Năm 2013, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Mặc dù tăng trưởng GDP đạt 5,4% nhưng nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi hai động lực tăng trưởng chính là khai thác tài nguyên thô và đầu tư công đang ngày một cạn kiệt và ngày càng siết chặt.Đồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
|
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 và những năm tiếp theo, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng cao năng suất và hiệu quả doanh nghiệp và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý.
Chất lượng tăng trưởng vẫn thấp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam còn dựa rất nhiều vào các yếu tố tài nguyên và vốn. Điều này khiến cho chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp. Theo ông Vinh, trong các nhân tố tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, vốn chiếm tới 57,54% và lao động chiếm khoảng 25,5%, trong khi chỉ tiêu về năng suất lao động chỉ chiếm 16,25%.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 và 6-6,2% vào năm 2015, Việt Nam vẫn phải dựa vào vốn và tài nguyên. Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh trong trung và dài hạn, Việt Nam không thể tăng theo cách như vậy bởi nguồn lực tài nguyên như dầu khí, than và quặng sắt sẽ cạn kiệt.
Một trong những giải pháp cho tăng trưởng kinh tế được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cập đến là Việt Nam cần phải cải cách thể chế. Một trong những cải cách quan trọng nhất là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế và tham gia vào dịch vụ công phục vụ cho đất nước.
Việt Nam đang xây dựng một loạt khung khổ pháp lý như Nghị định đối tác công – tư (PPP), đồng thời xây dựng những khuôn khổ pháp lý về thể chế để huy động tất cả mọi nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực của tất cả mọi thành phần kinh tế trong nước và quốc tế tham gia đầu tư ở Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam cũng cần nhanh chóng tái cấu trúc lại nền kinh tế, khi có đủ nguồn lực để bổ sung cho những thiếu hụt này, Việt Nam mới có thể tăng trưởng bền vững.
Không phân biệt giữa các thành phần kinh tếBa năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư FDI. Đây là một thành công lớn, không phải thời điểm nào hay quốc gia nào cũng có thể làm được. Không những số lượng các dự án tăng thêm mà tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI cũng ngày càng tăng và rất nhiều doanh nghiệp FDI đã thành công trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI được đánh giá là thành phần rất quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như đóng góp vào gia tăng giá trị xuất khẩu để Việt Nam đạt được các chỉ số tăng trưởng.
Khác với các doanh nghiệp trong nước, vốn đang gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận với vốn vay và kinh doanh kém hiệu quả, các doanh nghiệp FDI ít chịu tác động của sự bất ổn do họ có thị trường, có nguồn lực về vốn và sản xuất kinh doanh vẫn đạt hiệu quả cao.
Để tránh tình trạng mất cân đối trên, có một số ý kiến cho rằng trước mắt, Việt Nam cần điều chỉnh cho doanh nghiệp trong nước vươn lên để không kém gì doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Thời gian qua, các doanh nghiệp này (doanh nghiệp FDI) đã đóng góp phần lớn trong việc thu hút lao động, nộp thuế và ứng dụng khoa học công nghệ không khác gì doanh nghiệp trong nước. Vì thế, chúng ta không nên phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước”.
Ông Vinh lý giải khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đã tuân thủ toàn bộ luật pháp của Việt Nam, từ đăng ký kinh doanh và hoạt động như những doanh nghiệp trong nước, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho đất nước Việt Nam, đến xuất khẩu ra nước ngoài.
Liên quan tới giải pháp giúp các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn và đạt được những thành quả như các doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh trước mắt, Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ và bài bản nhằm tháo gỡ tất cả những vướng mắc căn bản nhất cho doanh nghiệp trong nước.
Chẳng hạn, theo ông Vinh, Nhà nước cần nhanh chóng xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp yếu kém cần phải đào thải. Đối với các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh tốt, có điều kiện để phát triển, Nhà nước cần nhanh chóng xử lý nợ xấu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng cần nâng cao hơn nữa khả năng quản trị của doanh nghiệp bằng những khuôn khổ pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài nguyên của đất nước một cách công bằng, không phải cơ chế xin - cho như hiện nay. Mặt khác, thị trường hóa hơn nữa các hoạt động trong kinh doanh của các doanh nghiệp này, đồng thời cần có những chế tài khuyến khích như hỗ trợ, bảo hộ…
Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng chính là phải tăng năng suất lao động. Theo đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp, nhất là giai đoạn 2000-2005, trung bình là 6,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở Trung Quốc là 9%. Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói các doanh nghiệp cần xác định định hướng kinh doanh, tìm kiếm, xác lập những thị trường ổn định và lựa chọn những sản phẩm mũi nhọn để đầu tư hiệu quả, dứt điểm, nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, theo ông Vinh, các doanh nghiệp cần phải đưa khoa học-công nghệ (KHCN) trở thành động lực chủ yếu trong tăng trưởng. Ngoài ra, năng suất lao động tổng hợp và hàm lượng KHCN trong mỗi sản phẩm cũng cần phải tăng lên. “KHCN sẽ là cứu cánh cho các doanh nghiệp và là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.