Kinh tế trên đà phục hồi là nền tảng tốt kích thích tăng trưởng năm 2021

Khó có thể nói tới sức bật của nền kinh tế trong lúc này, bởi những tác động của đại dịch COVID-19 vẫn rất nặng nề. Tuy nhiên, trong khó khăn nhưng nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng; đặc biệt, trong những tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và đó sẽ là nền tảng tốt kích thích tăng trưởng kinh tế 2021.

Điểm sáng nền kinh tế 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2020 tiếp tục chuyển biến tích cực và có sự cải thiện hơn so với các tháng trước. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và nhất là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ ( chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 9,2%). Tuy nhiên, chỉ số này 11 tháng chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). “Sức bật” trong ngành này đã bắt đầu xuất hiện và đó là tin mừng đối với nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Sản xuất các loại loa tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước chuyển biến tích cực; năng suất lúa mùa tăng 0,5 tạ/ha; chăn nuôi ổn định; sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh (tăng 9,9% so với cùng kỳ). Nuôi trồng thủy sản tăng khá (giá nguyên liệu cá tra, tôm tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh vào dịp cuối năm). Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang diễn biến phức tạp (còn 318 xã của 29 địa phương vẫn còn dịch).

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5% so với cùng kỳ. 

Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, tiếp tục tăng điểm. Chỉ số VN-index đã vượt 1.000 điểm…Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh và 11 tháng năm 2020 giải ngân đã đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).

Cùng với đó, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Như vậy, tình hình đã có sự khác biệt khá lớn. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã dần tăng lên: 10 tháng chỉ là 4,7%, còn bây giờ, con số là 5,3%. Tương tự, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cũng nhích dần. 10 tháng, tốc độ tăng chỉ là 0,4%, còn 11 tháng là 1,5%.

Nổi bật, đó là xuất siêu đạt mức kỷ lục, với 20,1 tỷ USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là con số được Tổng cục Thống kê đánh giá là tích cực trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, bình quân 11 tháng năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng. Lạm phát cơ bản so với cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng 1/2020 về mức 1,61% trong tháng 11/2020.

Con số nữa khiến bức tranh kinh tế 11 tháng của có thêm gam màu sáng, đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% và tăng 59,8%. Đặc biệt, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tăng 72% so với tháng trước và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Quyết liệt thực hiện mục tiêu “kép”

Chỉ còn gần tháng nữa, năm 2020 sẽ kết thúc. Mặc dù, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng vì đại dịch, thì chưa thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam một sự tăng tốc mạnh mẽ.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những vấn đề cần thực hiện trong tháng cuối năm. Cụ thể, Thủ tướng đề cập đến nguy cơ hàng đầu từ đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước, nhiều khu vực. Thách thức thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ cùng leo thang và khó dự đoán. Thứ ba là ngoài yếu tố địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt cũng có khả năng ảnh hưởng lớn đến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thúc đẩy tín dụng tăng trưởng phấn đấu trên 10% sẽ là một kênh rất quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Trên thực tế, một bộ phận doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ triển khai các gói hỗ trợ cho đến cải cách thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển tải hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, Thủ tướng lưu ý việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường trọng điểm nhưng xuất khẩu chưa phục hồi tốt. Song song với đó là thực hiện tốt hơn nữa việc giải ngân đầu tư công gồm cả vốn ODA nhưng đảm bảo chất lượng công trình; không được hình thức, lãng phí vốn đầu tư.

Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; tiếp tục cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

“Cần đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa với quy mô trăm triệu dân thông qua các loại hình kinh doanh bán lẻ, du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ; đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số Chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng sẽ góp phần phục hồi xuất khẩu sang châu Âu, đặc biệt là Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực RCEP có hiệu lực trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch; là nhân tố quan trọng tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam.

Cùng với đó là các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá cần linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp vào toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay… hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trước những tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, đem lại nhiều kỳ vọng về một kết quả tích cực hơn trong quý IV/2020 và tạo tiền đề cho nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng dương trong cả năm nay.

“Đây là nỗ lực rất lớn của chúng ta trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy… Điều này cũng có nghĩa, nền kinh tế đang sẵn sàng cho “thắng lợi kép”, đó là vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)
Báo chí châu Á nêu bật 'chìa khóa' giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong đại dịch COVID-19
Báo chí châu Á nêu bật 'chìa khóa' giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong đại dịch COVID-19

Báo Manila Times của Philippines ngày 3/12 đã đăng tải bài viết đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN