IMF thừa nhận rằng dù các nền kinh tế phát triển nhìn chung vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn có nhiều nền kinh tế trong số này đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc, như nhiều quốc gia ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), Nhật Bản và Vương quốc Anh. IMF cho biết thậm chí cả nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại trong những năm tới, khi đà phục hồi kinh tế theo chu kỳ kết thúc và những tác động từ chính sách kích thích tài khóa tạm thời dần yếu đi.
Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại toàn cầu vẫn đang gia tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể từ nửa cuối năm 2017, theo Cơ quan phân tích chính sách kinh tế Hà Lan.
Nền kinh tế toàn cầu đang sử dụng hết công suất dự phòng một cách nhanh chóng, và điều này được thể hiện rõ nét nhất trên thị trường dầu. Công suất dự phòng của thị trường dầu đã giảm xuống các mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do tốc độ tiêu thụ mạnh mẽ và một loạt các sự kiện gây gián đoạn sản xuất ở Venezuela, Libya, Iran và nhiều nơi khác.
Giá dầu đã tăng hơn 75% trong một năm qua, qua đó tạo áp lực đẩy lạm phát trên toàn cầu đi lên. Tuy nhiên, giá “vàng đen” sau đó đã quay đầu giảm nhẹ trong thời gian gần đây.
Trong quá khứ, giai đoạn cuối cùng của một thời kỳ tăng trưởng kinh tế thường xảy ra cùng lúc với sự tăng mạnh của giá dầu, và giá mặt hàng này sẽ giảm xuống trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế sau đó. Và giờ đây, khi thị trường dầu đang dần sử dụng hết công suất dự phòng, giá hàng hóa gia tăng và lãi suất đi lên, nền kinh tế toàn cầu ngày càng có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại trong 18 tháng tới.