Doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm
Vì sự cấp thiết, Hà Nội đã xây dựng thành “Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực” nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực.
Trong 3 năm vừa qua, thành phố xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội và công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố.
Doanh thu của 77 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố năm 2020 đạt gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong số 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, có 22 doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 đạt trên 1.000 tỷ đồng (trong đó 1 doanh nghiệp có doanh thu trên 40.000 tỷ đồng, 7 doanh nghiệp có doanh thu trên 5.000 tỷ đồng); 15 doanh nghiệp thuộc nhóm sản phẩm công nghệ cao; 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, có những thương hiệu toàn cầu như ToTo, Canon, Panasonic...
Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt gần 2 tỷ USD. Các doanh nghiệp có sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực phần lớn là doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Đây là những doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, phần mềm. Những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực là doanh nghiệp năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế góp phần tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô.
Các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực chú trọng tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ổn định, có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại doanh nghiệp này chiếm từ 75 - 80% tổng số lao động trong doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người lao động cho hàng chục nghìn người.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp tiêu biểu như: Máy in Canon của Công ty TNHH Canon Việt Nam; sứ vệ sinh cao cấp TOTO, vòi và chậu rửa TOTO của Công ty TNHH TOTO; PCB - Sản phẩm bản mạch cứng, FPC - Sản phẩm bản mạch dẻo của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam; Bộ dây truyền dịch dùng trọng lực (Intrafix Primeline, Dung dịch thẩm phân máu đậm đặc (HD-Plus) của Công ty TNHH B.Braun Việt Nam. Ngoài ra các sản phẩm của Công ty TNHH VONTA Việt Nam được vinh danh trong Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2020 gồm công tắc, ổ cắm, thiết bị điện, ống luồn dây điện, aptomat...
Cần thiết hỗ trợ chính sách
Với tầm quan trọng trong phát triển sản phẩm chủ lực, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách, văn bản pháp lý và kế hoạch hành động cụ thể để hỗ trợ tài chính, khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu…
UBND thành phố xác định các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hỗ trợ của Thành phố như: Ngân sách Thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay, lãi suất sau đầu tư, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Thành phố cũng ưu tiên thu hút, xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố và các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chất lượng nhằm mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố được tham gia học tập kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước trong các Chương trình xúc tiến của thành phố và quốc gia.
Hàng năm, thành phố hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ như: Tổ chức Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với doanh nghiệp của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, ... Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại để đầu tư vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Cùng đó, triển khai các chương trình, kế hoạch khoa học công nghệ gắn với việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại. Ngoài ra, tạo môi trường gắn kết giữa doanh nghiệp với các cá nhân, tổ chức khoa học công nghệ nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất.
Phát triển nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực cần thiết, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao trình độ quản lý, hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Qua sự quan tâm đặc biệt, cũng như có nhiều cơ chế khuyến khích nên thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cạnh đó còn nhiều tồn tại mà thành phố đang đúc kết để có các giải pháp tối ưu. Chẳng hạn, hiên nay chưa khẳng định vai trò động lực phát triển của sản phẩm công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế Thủ đô.
Việc liên kết hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với nhau cũng chưa thực sự chặt chẽ, chưa gắn kết các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL trong vai trò hạt nhân, thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp khác tham gia hình thành chuỗi sản xuất... Ngoài ra, việc triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực sau khi được công nhận còn hạn chế. Đồng thời, chưa có một cơ chế hỗ trợ đủ mạnh mang tính đồng bộ và kiến tạo, thúc đẩy phát triển nâng tầm sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp chủ lực.
Hơn nữa, việc trợ giúp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; đổi mới và cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... còn khiêm tốn. Các sản phẩm công nghiệpnchủ lực chưa được quan tâm thích đáng trong việc xây dựng, củng cố và quảng bá thương hiệu rộng rãi trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường còn chưa đáp ứng yêu cầu…
Hà Nội đang phấn đấu 100%; các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố; giá trị sản xuất của doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố tăng 10 - 12% so với năm 2020, đóng góp 35 - 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố triển khai các nhóm nhiệm vụ như tới đây sẽ xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn cho phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Thành phố Hà Nội đã giao trách nhiệm cho từng sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực.
Bài cuối: Kinh tế đô thị là trụ cột