Năm 2014 là năm nhiều biến động khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp ở hầu hết các khu vực; đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã dẫn đến cuộc đối đầu kinh tế không tránh khỏi giữa Nga với Mỹ và châu Âu. Trong khi kinh tế Mỹ có một năm đầy khởi sắc, tình trạng bất ổn ở khu vực Eurozone tiếp tục là vấn đề nổi cộm. Dưới đây là dự báo tình hình kinh tế năm 2015 ở một số khu vực, điểm nóng của thế giới.
Đối đầu Nga - phương Tây Năm 2015, căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn tồn tại nhưng mức độ sẽ suy giảm. Nga bắt đầu năm mới ở vị thế bất lợi: Nền kinh tế ngày càng dễ bị tổn thương, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải tính đến việc duy trì kinh tế đất nước, song song với việc bảo vệ lợi ích của Nga ở các nước láng giềng.
Nga nhiều khả năng sẽ bước vào suy thoái chính thức trong năm 2015. |
Nga nhiều khả năng sẽ bước vào suy thoái chính thức trong năm 2015 khi lạm phát tăng hai con số, đầu tư nước ngoài thấp và vốn chảy ra khỏi đất nước vẫn cao. Với sự sụt giảm của giá dầu, đồng ruble sẽ tiếp tục suy yếu và giá trị sẽ thay đổi chóng mặt. Bên cạnh đó, các công ty lớn của Nga - bao gồm năng lượng, ngân hàng và các công ty công nghiệp - sẽ khó tiếp cận nguồn tín dụng nước ngoài và phải đối mặt với các khoản nợ gia tăng.
Tuy nhiên, phương Tây có thể sẽ kiềm chế để không dồn Nga đến chân tường. Liên minh châu Âu (EU) dường như không muốn gia tăng mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trong năm nay. Các biện pháp trừng phạt hiện tại sẽ tự động hết dần hiệu lực trong năm, và việc gia hạn sẽ đòi hỏi sự chấp thuận của cả 28 quốc gia thành viên EU. Như vậy, một chính sách giảm căng thẳng nhiều khả năng sẽ diễn ra hơn so với việc tăng cường biện pháp trừng phạt.
Những thách thức của Ukraine Ukraine sẽ bước vào năm 2015 với những khó khăn rất lớn về kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chính phủ nước ngoài có khả năng giúp Ukraine bám trụ trong năm nay. Những khoản viện trợ này sẽ đòi hỏi thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới khá khắc nghiệt, bao gồm cắt giảm trợ cấp và chi tiêu xã hội. Một số cuộc biểu tình chắc chắn sẽ diễn ra.
Trên mặt trận năng lượng, thỏa thuận Kiev và Moskva ký cuối năm 2014 nối lại hoạt động nhập khẩu khí tự nhiên từ Nga sẽ tiếp tục có hiệu lực trong những tháng đầu năm 2015 để tránh tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng ở Ukraine trong mùa đông. Tuy nhiên, tình trạng cắt giảm luân phiên có thể diễn ra cuối năm khi hai bên đàm phán về một thỏa thuận dài hạn về giá và cước vận chuyển khí đốt. Dù vậy, một đợt cắt giảm nguồn cung quy mô lớn ảnh hưởng đến châu Âu khó có thể diễn ra trong năm 2015.
Về đối ngoại, Ukraine sẽ thực hiện các bước đi hội nhập sâu hơn với EU trong khuôn khổ của Hiệp định Hiệp hội EU, đồng thời sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và quân đội các quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên, việc trở thành thành viên chính thức của EU và NATO sẽ không xảy ra đối với Ukraine năm 2015.
Khó khăn của Eurozone Năm 2015, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ phải đối phó với bốn vấn đề chính: Kinh tế trì trệ, thất nghiệp cao, lạm phát thấp và nợ công. Cuộc tranh luận giữa các quốc gia muốn bơm tiền kích thích kinh tế (như Pháp và Italy) và các nước (dẫn đầu là Đức) đòi hỏi các nền kinh tế thành viên Eurozone gặp khó khăn phải cải cách mạnh mẽ, sẽ tiếp tục diễn ra.
Đức không có khả năng đưa ra bất kỳ gói kích thích kinh tế đáng kể nào ở trong nước hoặc với khu vực châu Âu vào năm 2015. Tuy nhiên, nền kinh tế đầu tàu khu vực này sẽ phải “chấp nhận” các “toa tàu” thiếu trách nhiệm với các khoản nợ và cam kết thâm hụt ngân sách.
Việc lơi lỏng các biện pháp củng cố tài khóa sẽ diễn ra ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai nước sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm 2015. Năm 2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải đối mặt với câu hỏi khó khăn về việc có tiếp tục chìa tay cứu các quốc gia ngập trong nợ công hay không, một động thái được gọi là "nới lỏng định lượng".
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm Trung Quốc bước vào năm 2015 trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại. Xu hướng giảm đều về giá, lượng nhà bán ra và hoạt động đầu tư bất động sản cùng với nhu cầu bên ngoài yếu, chi phí đầu vào tăng cao đối với hàng xuất khẩu, tất cả những nhân tố này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Chính phủ Trung Quốc sẽ không tìm mọi cách để thúc đẩy tăng truởng kinh tế trong năm nay. Thay vào đó, nước này sẽ dựa vào các công cụ kinh tế tổng hợp để đảm bảo sự suy giảm được kiểm soát. Chính phủ chỉ duy trì sự hỗ trợ vừa đủ cho nền kinh tế nhằm tránh một hậu quả nghiêm trọng từ sự tác động thái quá. Bắc Kinh sẽ tận dụng sự suy giảm của thị trường nhà đất và xây dựng để thực hiện một số cải cách kinh tế, xã hội được chờ đợi từ lâu.
Nhật tìm cách hồi sinh kinh tế Cuộc bầu cử tháng 12/2014 đã đem lại luồng gió mới cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, mang theo niềm hy vọng hồi sinh cho nền kinh tế, ngoại giao và quân sự của quốc gia này. Năm 2015, ông Abe sẽ cố gắng sử dụng vị thế mạnh trong quốc hội để thông qua những cải cách kinh tế và xã hội mang tính cơ cấu; qua đó sẽ chuyển hóa những lợi ích tạm thời từ chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa - hai "mũi tên" đầu tiên trong chiến lược kinh tế, được biết đến với cái tên Abenomics - thành sự tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, trừ khi những cải cách cơ cấu được thực hiện suôn sẻ, bất kỳ những thành tích nào kinh tế Nhật có được trong năm sẽ chỉ mang tính tạm thời, đặc biệt khi giá dầu thấp kéo dài làm giảm tác dụng nỗ lực kích thích tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Tham vọng của Đông Nam Á Đây có thể là một năm bước ngoặt đối với khu vực Đông Nam Á. Kế hoạch thúc đẩy khu vực thành một thị trường thống nhất cho đầu tư, thương mại và lao động có tay nghề cao tới ngày 31/12 - dưới tiêu đề Cộng đồng kinh tế ASEAN - sẽ thành hiện thực.
Khu vực Đông Nam Á có thể sẽ vẫn là điểm đến yêu thích cho đầu tư nước ngoài năm 2015, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc
Quang Tuyến (Theo Stratfor)