Kim ngạch Việt-Trung hướng tới 100 tỉ USD năm nay

Việt Nam có thể sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN trong năm 2016.

Ngày 8/3, Tham tán Kinh tế-Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm đã đưa ra dự báo trên đồng thời nhận định quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển rất nhanh.

Các xe chở hàng chờ đến lượt xuất hàng qua biên giới tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Có thể sẽ hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD trong năm 2016

Phát biểu với các phóng viên tại Hà Nội, Tham tán Hồ Tỏa Cẩm cho biết năm 2015, mặc dù thương mại toàn cầu tiếp tục suy thoái nhưng quan hệ thương mại Việt-Trung vẫn tăng trưởng bền vững và tương đối nhanh. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc tại ASEAN sau Malaysia, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.

Theo thống kê của phía Trung Quốc, năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc đạt 95,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 66,1 tỷ USD, tăng 3,8% năm 2014, nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, tăng 49,1%.

Kim ngạch thương mại Việt - Trung hiện chiếm 2,4% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tăng 1,4 điểm phần trăm so với thời điểm 5 năm trước.

Riêng trong tháng 1/2016, kim ngạch thương mại Việt - Trung đã đạt 7,8 tỷ USD, trong khi giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Malaysia chỉ là 6,5 tỷ USD.

Với kết quả đó, ông Hồ Tỏa Cẩm dự báo hai nước có thể hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD trong năm 2016, sớm hơn một năm so với thời hạn mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt ra.

“Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN trong năm 2016”, ông khẳng định.

Cán cân thương mại Việt-Trung đang được cải thiện


Bình luận về vấn đề mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai nước, ông Hồ Tỏa Cẩm nói: “Trạng thái mất cân bằng trong quan hệ thương mại Việt-Trung đang từng bước được cải thiện”.

Theo thống kê của phía Trung Quốc, năm 2015, kim ngạch thương mại Việt – Trung tăng 14,6%, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng 3,8%, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 49,1%. Năm 2015, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã giảm 7,4 tỷ USD so với năm 2014.

Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại Việt-Trung không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Để quan hệ thương mại Việt-Trung phát triển bền vững hơn, theo ông Hồ Tỏa Cẩm, hai nước đã áp dụng nhiều biện pháp để tái cân bằng cán cân thương mại. Việt Nam đã tăng cường khả năng xuất khẩu và xuất khẩu nhiều sản phẩm điện tử, máy móc và các sản phẩm có giá trị gia tăng sang Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam.

Liên quan tới vấn đề thương mại biên mậu, quan chức của Trung Quốc cho rằng thương mại biên mậu là “một bộ phận quan trọng” trong quan hệ thương mại Việt-Trung. Do vấn đề thương mại biên giới liên quan tới cuộc sống của người dân vùng biên giới hai nước nên Chính phủ của hai nước đều rất coi trọng.

Tham tán Hồ Tỏa Cẩm cũng cho biết Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành thương lượng về hiệp định thương mại biên giới song phương. Ngày 23 và 24/3 tới, hai nước sẽ tổ chức cuộc họp của Nhóm hợp tác thương mại biên giới tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tại cuộc họp này, hai bên sẽ đối chiếu lại văn bản của hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung, nỗ lực phấn đấu để ký lại hiệp định thương mại biên giới mới trong năm nay.

Luật Đầu tư của Việt Nam tương đối linh hoạt

Về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm cho rằng năm 1988, Việt Nam đã công bố Luật Đầu tư Nước ngoài. Lúc đó, luật này là luật đầu tư mở cửa nhất tại khu vực Đông Nam Á. Sau đó, Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi và hoàn thiện Luật Đầu tư Nước ngoài. Tháng 7/2015, Việt Nam đã công bố Luật Đầu tư mới với nhiều điểm sửa đổi.

“Chúng tôi cho rằng Luật Đầu tư của Việt Nam nhằm xây dựng một môi trường công bằng, bình đẳng và thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Và Luật Đầu tư của Việt Nam tương đối linh hoạt”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Hiện tại, Trung Quốc đứng thứ 9 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo vị tham tán này, đầu tư của Trung Quốc đang giúp tạo việc làm cho người lao động và góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất, đồng thời đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam.

Đào Tùng (TTXVN)
Phản hồi thông tin nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc
Phản hồi thông tin nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc

Ngày 4/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có thông tin về việc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đề xuất chủ trương nhập khẩu 160 toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng tới uy tín của ngành Đường sắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN