Báo cáo tại cuộc họp, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính đến ngày 19/1 tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã đăng ký là 4.600 chiếc; trong đó, tàu hoạt động vùng khơi 2.750 chiếc, tàu hoạt đng vùng lộng 642 chiếc, tàu hoạt động vùng ven bờ 1.208 chiếc.
Qua kết quả rà soát của các tổ liên ngành đến ngày 31/12/2023 trên địa bàn toàn tỉnh đã thống kê có 1.095 tàu chưa đăng ký, so với đợt rà soát trước đây tăng 304 tàu; trong đó, trường hợp tự đóng mới 837 tàu, mua lại 258 tàu.
Qua rà soát, danh sách tàu chưa đăng ký đều không có hồ sơ nguồn gốc, đóng mới trái phép, hoạt động nghề cấm, thiếu thành phần phần hồ sơ chính theo quy định: văn bản chấp thuận đóng mới đối với tàu cá; Giấy chứng nhận xuất xưởng do chủ cơ sở đóng tàu cấp….
Các tàu cá không có hồ sơ nguồn gốc đều do người dân đóng tự phát từ lâu, cha truyền con nối hoặc mua từ ngoài tỉnh về nhưng không có hồ sơ nguồn gốc hợp lệ nên không làm thủ tục đăng ký được, thường đánh bắt hàng ngày gần bờ, cặp các bến, bãi ngang. Việc giám sát của chính quyền địa phương, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng thiếu chặt chẽ dẫn đến phát sinh tàu cá “3 không” chủ yếu hoạt động ven bờ, hoạt động khai thác bình thường nhưng chưa được xử lý theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh hiện còn 891 chiếc chưa đăng kiểm, 92 tàu chưa lắp giám sát hành trình, 1.118 tàu chưa cấp phép khai thác; trong đó, tàu hoạt động vùng ven bờ từ 6 m đến dưới 12 m chưa cấp phép là 784 tàu; tàu hoạt động vùng lộng từ 12 m đến dưới 15 m chưa cấp phép là 220 tàu, chiếm 34,26% và tàu hoạt động vùng khơi từ 15 m trở lên chưa cấp phép 114 tàu, chiếm 4,15%.
Nguyên nhân là do không liên hệ được chủ tàu vì họ rời khỏi địa phương; tàu đã bán khỏi địa phương nhưng chủ tàu chưa làm thủ tục sang tên đăng ký theo quy định; tàu đang đậu bờ, hư hỏng, không còn hoạt động nhưng chủ tàu không làm thủ tục cấp phép, lắp giám sát hành trình; tàu tự cải hoán vỏ, cải hoán máy, thay đổi nghề khai thác nên không đủ điều kiện đăng kiểm theo quy định dẫn đến chưa được cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đang chờ ngân hàng bán thanh lý, thu hồi tài sản; tàu cá dạng xỏng, không có cabin hoạt động vùng lộng, ven bờ đi về trong ngày nhưng chủ tàu không có kinh phí để cải hoán kích thước cho phù hợp hoạt động vùng lộng, ven bờ nhưng vẫn không chấp hành lắp giám sát hành trình để được cấp phép theo quy định. Tàu đậu bờ, tạm dừng hoạt động; tàu chìm, mất tích, không còn ở địa phương; tàu đã bán ra ngoài tỉnh chưa làm thủ tục sang tên; tàu đóng theo Nghị định 67 bị ngân hàng niêm phong, chờ thanh lý.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng đối với tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép) các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương phải kiên quyết sẽ không cho ra khơi đánh bắt.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết, còn 16 trường hợp mất kết nối giám sát hành trình trên 10 ngày tồn tại từ tháng 8/2023 đến nay chưa xử lý. Các tàu này hiện đang đi biển.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu chuyển giao hồ sơ 16 tàu mất kết nối trên 10 ngày cho bên công an xử lý. Bên cạnh đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương giải quyết ngay các tàu cá chưa đăng ký, chưa cấp giấy phép, chưa đăng kiểm, tập trung các tàu cá trên 12m.
“Thực hiện ngay trong tuần này và tuần sau. Sau khi đã hướng dẫn người dân hoàn thiện các loại giấy tờ này, tàu cá nào vẫn không đủ điều kiện hoạt động, kiên quyết không cho xuất bến” ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiên quyết yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phải dứt khoát xử lý các trường hợp vi phạm về IUU.