Tại buổi làm việc, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối từ các tỉnh khác còn nguồn cát với trữ lượng lớn như: Tiền Giang, Bến Tre hoặc xem xét, sử dụng nguồn cát biển để phân bố, bố trí nguồn còn thiếu của công trình cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và công trình cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Đồng thời sớm có hướng dẫn việc sử dụng nguồn cát biển, các tiêu chuẩn nhiễm mặn đất nông nghiệp, nước nuôi trồng thủy sản, ngưỡng chịu mặn của một số loài cây và xác định khu vực, địa phương cụ thể được phép sử dụng nguồn cát biển để san lấp nhằm triển khai mở rộng, giảm áp lực cho việc khai thác cát sông.
UBND tỉnh An Giang cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải điều tiết trên 2,4 triệu m3 cát từ 4 khu mỏ trên sông Hậu và sông Tiền để bố trí nguồn cát cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang đoạn qua tỉnh An Giang và đoạn qua Cần Thơ - Hậu Giang sang Dự án Cần Thơ - Cà Mau.
Tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất Thủ tướng Chính phủ hoặc có hướng dẫn cấp phép khai thác để bổ sung nguồn cát đang thiếu hụt đối với khu mỏ có giấy phép khai thác đã chấm dứt hiệu lực nhưng còn trữ lượng, nằm trong quy hoạch khoáng sản và đảm bảo các điều kiện tiếp tục khai thác. Đồng thời, giao cho doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, cấp phép khai thác trước đây tiếp tục khai thác. Nguồn cát khai thác từ các khu mở này chỉ được cung cấp cho các công trình cao tốc theo cơ chế đặc thù.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm đề nghị UBND tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong rà soát các mỏ cát trên địa bàn, nghiên cứu hồ sơ, thủ tục để đưa vào khai thác để bổ sung nguồn cát, điều phối hợp lý cho các công trình trọng điểm. Đồng thời, bổ sung thủ tục theo hướng nhanh, đơn giản để điều phối hơn 2,43 triệu m3 cát phân bổ từ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang phân bổ cho cao dọc Cần Thơ - Cà Mau, gồm các mỏ số 2 trên sông Hậu (thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân), mỏ số 3 trên sông Hậu đoạn thuộc xã Bình Long, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân và mỏ số 4 trên sông Tiền, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.
Ông Nguyễn Duy Lâm cũng đề nghị An Giang tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Chính phủ rà soát trữ lượng các mỏ cát còn lại để bố trí cho các nhà thầu trực tiếp khai thác nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ tỉnh An Giang sớm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định để việc rà soát các mỏ còn trữ lượng cấp cho nhà thầu và việc điều chuyển cát từ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang phân bổ cho cao dọc Cần Thơ - Cà Mau theo quy định của pháp luật.
Theo UBND tỉnh An Giang, hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang, đến nay tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường với số tiền trên 1.728 tỷ đồng cho 1.530 hộ với diện tích trên 388 ha. Tỉnh đã chi tiền bồi thường trên 1.673 tỷ đồng, cho 1.502 hộ, còn 16 hộ chưa đông ý bàn giao mặt bằng.
Hiện tại, khối lượng cát An Giang cần phân bổ cho 3 đoạn dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang và đoạn qua Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang theo cơ chế đặc thù của Quốc hội là trên 23,8 triệu m3. Trữ lượng tỉnh đã cấp xác nhận thu hồi của 10 khu mỏ trên 15,2 triệu m3 và đã bố trí từ các dự án nạo vét và các khu mỏ với tổng trữ lượng trên 3,4 triệu m3.
Theo UBND tỉnh An Giang, tổng trữ lượng cát An Giang đã phân bổ cho 3 đoạn dự án đường cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trên 18,6 triệu m3. Theo tính toán, tổng khối lượng cát còn thiếu cho các công trình đường cao tốc và các công trình trong tỉnh là trên 13,7 triệu m3; trong đó khối lượng cát còn thiếu cho cao tốc gần 5,2 triệu m3 và thiếu cho các công trình trong tỉnh khoảng 8,5 m3.
Báo cáo với tổ công tác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Thái Minh Hiển cho biết, UBND tỉnh An Giang đã cấp 10 bản xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản tại 10 khu mỏ được giao phục vụ công trình đường cao tốc. Tổng trữ lượng đã cấp xác nhận thu hồi của 10 khu mỏ trên 15,2 triệu m3. Tuy nhiên trong 10 khu mỏ hiện có 8 khu vực nằm trong đoạn sông đang bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn các tiêu chí cụ thể để khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông để làm cơ sở quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định. UBND tỉnh An Giang cũng đã có công văn xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến hướng dẫn.
Theo ông Hiển, qua rà soát các khu mỏ đã chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác, còn trữ lượng, nằm trong quy hoạch khoáng sản, hiện An Giang có 2 khu mỏ trên sông Hậu (thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) có thể đưa vào khảo sát, thăm dò và cấp giấy phép khai thác để bổ sung nguồn cát với tổng trữ lượng khoảng 2,5 triệu m3.
Tuy nhiên, để đưa các khu mỏ này vào phục vụ các công trình cao tốc phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và cải tạo phục hồi môi trường theo quy định nên sẽ mất nhiều thời gian và không loại trừ khả năng phát sinh khiếu kiện, tranh chấp của doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác trước đây.