Tính riêng trong tháng 10/2019, số lợn mắc bệnh và chết buộc phải tiêu hủy ở Ninh Thuận là 196 con, trọng lượng hơn 7.400 kg. So với tháng 9/2019, số lợn tiêu hủy giảm 73% (539 con), trọng lượng tiêu hủy giảm 83,9% (hơn 38.800 kg).
Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại hai huyện Bác Ái và Thuận Bắc, tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi được kiểm soát chặt chẽ. Các huyện trên đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi (ổ dịch đã qua 30 ngày, không phát sinh thêm ổ dịch mới).
Tại huyện Ninh Sơn, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trước đây tuy có diễn biến phức tạp (đã xảy ra tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện), nhưng nay dịch bệnh đã được khống chế và có hướng thuyên giảm, không có dấu hiệu lây lan sang các vùng đệm trong huyện. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp với huyện Ninh Sơn và các địa phương trong huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan.
Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, Chi cục tiếp tục tăng cường giám sát các trang trại chăn nuôi; đồng thời lấy mẫu huyết thanh của lợn gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm vi rút dịch tả lợn để phục vụ cho việc kiểm dịch phục vụ chăn nuôi và giết mổ. Bên cạnh đó kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giết mổ từ lúc nhập gia súc đến khi xuất sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Từ ngày 28/8 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 31 hộ chăn nuôi ở 8 xã, thị trấn của 3 huyện là Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Bắc với số lượng lợn bệnh, chết phải tiêu hủy là 931 con, trọng lượng hơn gần 54.000 kg. Ước kinh phí hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh là gần 1,5 tỷ đồng.
* Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, từ giữa tháng 10/2019 đến nay, Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi. Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh chỉ ghi nhận khoảng 2 ổ dịch, chỉ bằng 20% so với thời gian trước đó.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, trước đây, lúc cao điểm, mỗi ngày Đồng Nai xuất hiện hơn 10 ổ dịch tả lợn châu Phi, số lợn nhiễm bệnh lên đến hàng nghìn con; có khi trong ngày, 1 huyện xuất hiện 3 ổ dịch. Khoảng 3 tuần gần đây, có rất ít ổ dịch xuất hiện, số lượng lợn mắc bệnh cũng chỉ vài chục con/ngày.
Dù dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, song nguy cơ dịch lây lan vẫn rất lớn. Để ngăn chặn, ngành chức năng vẫn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn tái đàn, tăng đàn để đảm bảo nguồn cung, không có chủ trương tái đàn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã xuất hiện dịch.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 136 xã, phường trong tỉnh. Trong đó có 26 hết dịch, 55 xã đã qua 30 ngày không xuất hiện dịch. Hiện tỉnh đã tiêu huỷ gần 439.000 con lợn và đã chi khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi. So với trước khi dịch xuất hiện (tháng 5/2019), hiện tổng đàn lợn của Đồng Nai giảm 50%, chỉ còn khoảng 1,5 triệu con.
* Tại tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa có văn bản, gửi UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ địa phương các loại hóa chất phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng, từ nguồn dự trữ quốc gia.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị cần hỗ trợ 15.000 lít Han Iodine 10% và 10.000 lít Benkocid để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng đang lây lan nhanh và diễn biến phức tạp.
Đến ngày 5/11, dịch lở mồm long móng xảy ra ở 359 hộ chăn nuôi tại 22 xã thuộc 6 huyện gồm: Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông, Hướng Hóa và Đakrông với trên 1.000 con trâu, bò mắc bệnh. Dịch lở mồm long móng xảy ra và lây lan nhanh, do gia súc trong khu vực có ổ dịch cũ nhưng chưa được tiêm phòng vắc xin; nhập con giống không tuân thủ đúng quy định hiện hành. Việc tiêm phòng vắc xin tại một số địa phương đạt tỷ lệ thấp. Việc giám sát, phát hiện và báo cáo ổ dịch chưa kịp thời làm tăng nguy cơ dịch lây lan rộng và khó kiểm soát.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu sở, ngành, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện trường hợp mắc bệnh, xử lý nghiêm việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh làm lây lan dịch bệnh. Thiết lập chốt kiểm dịch tạm thời hoặc đội kiểm soát cơ động để ngăn chặn; xử lý việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc bị bệnh; tiến hành biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.
Trong khi đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Trị tiếp tục lây lan. Đến nay, bệnh dịch này đã xảy ra ở trên 10.000 hộ chăn nuôi ở 118 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy trên 52.000 con với tổng trọng lượng hơn 2.800 tấn.
Tỉnh Quảng Trị tuyên truyền nhằm nâng nhận thức người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi; tổ chức tiêu hủy, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; lập hồ sơ hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại theo quy định; xử lý môi trường tiêu hủy lợn bệnh; tổ chức quan trắc môi trường đối với các hố chôn lợn bệnh có số lượng lớn…