Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo Thúc đẩy quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai thác hướng đến sự phát triển toàn diện của Việt Nam do Liên minh khoáng sản tổ chức ngày 30/1, tại Hà Nội.
Quản lý phân tán
Ông Jelson Garcia, giám đốc Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên (NGRI) Thái Bình Dương cho biết, chỉ số quản trị tài nguyên là chỉ số quản trị quốc tế duy nhất trên thế giới về tài nguyên nhằm đánh giá chất lượng quản trị tài nguyên thiên nhiên tại 81 quốc gia. Các quốc gia này hiện đang đóng góp 82% tổng trữ lượng dầu trên toàn thế giới, 78% tổng lượng khí thiên nhiên và 72% tổng lượng đồng, chưa kể các loại tài nguyên khác; tổng doanh thu của 81 quốc gia này là 1,2 nghìn tỷ USD trong năm 2014.
Theo kết quả đánh giá của chỉ số quản trị tài nguyên 2017, 66 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị công nghiệp khai thác. Trong đó, quản trị tài nguyên yếu kém cùng với tham nhũng có hệ thống là những thách thức lớn hiện đang tồn tại. Điều đáng nói, Việt Nam đứng thứ 45, thuộc nhóm yếu - nhóm quốc gia có một số lĩnh vực có quản trị tốt và một số có vấn đề, khai thác tài nguyên có thể giúp ích cho xã hội nhưng dường như các lợi ích lâu dài rất mờ nhạt.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, trước đây, ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp 11% GDP, 28-29% nguồn thu ngân sách, có năm đóng góp của dầu khí là 24% thu ngân sách nhưng hiện đã giảm đi rất nhiều.
Trong khi đó, Luật Khoáng sản 2010 khá phân tán, quản lý khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng khai thác khoáng sản liên quan công nghiệp là Bộ Công Thương, liên quan tới hóa chất giao cho cho Tổng Công ty Hóa chất, Xi măng giao cho Tổng công ty Xi măng nên việc quản lý khá phân tán.
“Quản lý phân tán giữa trung ương và địa phương, mỏ lớn do các bộ cấp phép, mỏ nhỏ giao cho các tỉnh cấp phép. Việc khai thác các mỏ nhỏ, khoáng sản không tập trung nên việc thống kê và quản lý nguồn thu cho ngân sách có nhiều thiếu sót. Cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến sức khỏe người dân mà chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá được ” TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (cát xây dựng) trên sông Vàm Cỏ Đông (đoạn tỉnh Tây Ninh) Ảnh minh họa: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Minh bạch là điều kiện tiên quyết
TS. Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, so sánh chỉ số quản trị tài nguyên giữa 2017 và 2013 thì điểm số và thứ hạng có cải thiện nhưng mặt bằng chung không thay đổi, vẫn ở mức yếu và mấp mé rơi xuống kém và nếu không có sự cải thiện thì luôn có ngưỡng cửa kém, tác động tiêu cực tới đóng góp ngân sách.
“Về luật liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, khoảng cách lớn giữa các quy định văn bản và thực thi, nhìn thì thấy khung luật tương đối đầy đủ, nhưng chất lượng lại có vấn đề. Nhà nước kiểm soát dựa trên khai báo của doanh nghiệp, như vậy nhà nước vẫn nắm đằng lưỡi và quản lý theo kiểu thả gà ra đuổi”, ông Tú cho biết.
Do đó, theo ông Tú, cần thiết phải minh bạch thông tin trong quản lý và Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI), một trong những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài nguyên thiên nhiên là một trong những công cụ hữu hiệu. Thế nhưng, mặc dù Việt Nam đã tiếp cận EITI gần 10 năm nay, đến nay vẫn chưa thể thực thi.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều khiến doanh nghiệp khai thác yếu kém, lãng phí nhiều nguồn tài nguyên và không đầu tư công nghệ thì câu trả lời cho thấy rủi ro về chính sách trong ngành khoáng sản là lớn nhất trong các ngành. Chính sách liên quan thay đổi thuế xuất thường xuyên ảnh hưởng tới ngành khoáng sản trong khi đó ngành này là ngành cần đầu tư lâu dài.
Ông Đức cũng cho rằng, nhà nước cần điều tra địa chất cơ bản, ngay lập tức phải thông báo phát hiện mỏ phải công khai, không được che dấu tài sản và đến khi đưa vào quy hoạch, chưa cấp phép ngay thì cần ban hành kế hoạch đến thời điểm nào sẽ tiến hành cấp phép khai thác mỏ đó.
“Sau đó cơ quan đầu mối quản lý khoáng sản sẽ thực hiện việc đấu giá, mời đối tác chiến lược để chống tiêu cực trong cấp phép ban đầu. Đây là giải pháp giảm tiêu cực trong giai đoạn đầu tiên. Cùng đó, phải giám sát sản lượng bởi tình trạng khai báo sai sản lượng vẫn còn rất nhiều”, ông Đức nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Đức cho biết, trong việc mua bán khoáng sản cần quy định cụ thể, người mua bản trình được khoáng sản mua ở nguồn mỏ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu không thì quy vào việc mua khoáng sản không có nguồn gốc xuất xứ, tạo để ngăn chặn doanh nghiệp khoáng sản bán chui ra nước ngoài, gây thất thoát tài nguyên.