Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền. |
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền, việc tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là thiết thực và cần có chính sách khuyến khích người sản xuất nông nghiệp tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp.
Trả lời báo giới mới đây về việc Việt Nam là một trong 5 nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, việc triển khai BHNN là cần thiết và thời gian nào sẽ tiếp tục triển khai. Ông Huyền chia sẻ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3094/VPCP-KTTH ngày 6/5/2016 của Văn phòng Chính phủ, căn cứ kết quả phân tích, đánh giá về những khó khăn, bất cập trong triển khai BHNN, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và đã xin ý kiến địa phương, tổ chức họp với các doanh nghiệp bảo hiểm, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện BHNN.
Theo đó sẽ triển khai BHNN theo hướng: không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn đảm bảo và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo).
Đề cập tới doanh thu phí BHNN là 394 tỷ đồng nhưng số tiền bồi thường hiện lên đến 712,9 tỷ đồng có ảnh hưởng ra sao đối với hoạt động kinh doanh của DNBH? ông Huyền cho biết: Đây là chương trình triển khai thí điểm vì vậy sau khi kết thúc đã tiến hành đánh giá thuận lợi, khó khăn, bất cập và sẽ hướng đến việc lựa chọn hình thức triển khai BHNN đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DNBH.
Theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh; góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ…Thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đối với 3 sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm, cá) giai đoạn 2011-2013 đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Tổng số hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia thí điểm là 304.017; tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là 712,9 tỷ đồng.
Để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, chính sách bảo hiểm cũng đã được các DNBH tích cực triển khai. Theo đó, tính đến 30/6/2016 đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt 37.412 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm ước đạt 387 tỷ đồng; tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước đạt 145.960 thuyền viên; tổng bồi thường ước đạt 59,8 tỷ đồng; đang xem xét giải quyết bồi thường 82,1 tỷ đồng.
Đối với chương trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã phê chuẩn cho 3 DNBH triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô - sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu.
Đến nay đã có 72.255 hợp đồng tham gia bảo hiểm vi mô, với tổng số phí bảo hiểm thu được là 8,9 tỷ đồng. Theo đó, DNBH sẽ hoàn lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng khi đáo hạn nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH sẽ tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm theo quy định.