Sàng lọc nhà thầu
Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong tháng 10/2022, công tác thiết kế kỹ thuật dự án phải hoàn thành, tháng 11/2022 hoàn thành dự toán toàn bộ dự án và mời đơn vị kiểm toán vào kiểm tra, thẩm định trước khi chỉ định thầu. Dự kiến, đầu tháng 12/2022, công tác lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện, đảm bảo khởi công dự án đúng tiến độ.
Ngay từ đầu tháng 9/2022, phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án đã được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ. Theo đó, 12 dự án thành phần được đề xuất chia thành 30 gói thầu (phạm vi khoảng 20 - 40 km/ gói thầu), giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng/gói thầu, số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp theo đúng thẩm quyền quy định tại các Nghị quyết của Chính phủ và của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, đảm bảo nguyên tắc không chia nhỏ gói thầu (vì quá nhiều gói thầu sẽ mất nhiều thời gian, khó liên thông kết nối, gây chậm trễ, tăng kinh phí, tăng tổng mức đầu tư…) và lựa chọn nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, công khai, minh bạch...
Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, các gói thầu đề xuất phân chia dự án giai đoạn II lớn hơn nhiều so với các gói thầu thuộc dự án giai đoạn I 2017 - 2020. Ở giai đoạn I, quy mô mỗi gói thầu trung bình khoảng 1.500 tỷ đồng, chỉ có một gói 2.200 tỷ đồng tại dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây và một gói 3.200 tỷ đồng dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Do vậy, qua kinh nghiệm giai đoạn I, gói thầu từ 3.000 tỷ đồng trở lên trong giai đoạn II có thể lựa chọn được nhà thầu lớn có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công, hạn chế chia nhỏ manh mún, làm ảnh hưởng tiến độ can đích nếu đối mặt với "bão giá" nguyên liệu đầu vào hoặc thiếu hụt nguồn vật liệu.
Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II gồm công trình đường bộ cấp I, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp III trở lên. Theo quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu, nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu phải đáp ứng điều kiện: Có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét; có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét.
Bên cạnh đó, nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu. Trường hợp liên danh tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh theo các tiêu chí trên.
Do đó, Bộ GTVT sàng lọc, loại bỏ các nhà thầu năng lực thi công hạn chế, khi ký hợp đồng chỉ định thầu cụ thể giữa chủ đầu tư và nhà thầu, điều khoản quy định tại gói thầu được chỉ định, đơn vị thầu chính phải đảm nhận 70% giá trị hợp đồng. Khối lượng dành cho nhà thầu phụ không được quá 30% giá trị hợp đồng gói thầu. Chế tài xử lý các nhà thầu không tuân thủ các nội dung hợp đồng đã ký cũng được xác định rõ: Nhẹ nhất là đôn đốc, nhắc nhở, nặng hơn là điều chuyển khối lượng thi công và chấm dứt hợp đồng và nhà thầu vi phạm sẽ bị loại đối với các gói thầu ở các dự án về sau.
Giám sát chặt chẽ các nhà thầu liên danh
Theo ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, để chủ trương chỉ định thầu phát huy hiệu quả, cần ưu tiên phân chia gói thầu căn cứ theo năng lực các nhà thầu, không nên chia đều các gói thầu.
Còn ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, công tác chỉ định thầu cao tốc Bắc Nam giai đoạn II phải công khai rộng rãi cả về tiêu chí và kết quả lựa chọn nhà thầu, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giám sát doanh nghiệp trúng thầu. Nếu các nhà thầu liên danh, số lượng tối đa trong liên danh không quá 3 đơn vị trong một gói thầu, tránh phân chia gói thầu, dễ làm giảm hiệu quả của cơ chế chỉ định thầu. Các Ban Quản lý dự án giao thông (đại diện cơ quan quản lý Nhà nước) phải yêu cầu đơn vị tham gia thầu trình thỏa thuận liên danh, phân công rõ trách nhiệm bảo hành sau này.
Để đảm bảo các dự án cao tốc thành phần giai đoạn II được thực hiện hiệu quả, Bộ GTVT đề xuất cơ chế giám sát theo hướng: Giao Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các hội nghề nghiệp chuyên ngành thành lập Tổ Giám sát cộng đồng chuyên gia. Tổ sẽ có kế hoạch giám sát cụ thể, theo từng giai đoạn của dự án, tổng hợp ý kiến của các nhà thầu, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý để kịp thời có các báo cáo giám sát, trong đó có kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết các vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa đúng quy định của các bên liên quan.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đề xuất chia dự án thành 30 gói thầu giá trị từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng của Bộ GTVT trình Chính phủ là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, nếu chia các gói thầu giá trị từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng, hiếm có nhà thầu đáp ứng đủ điều kiện và càng khó giám sát nếu các nhà thầu liên danh. Việc phân chia này đảm bảo sự phân cấp rõ ràng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/nhà thầu uy tín, có năng lực thi công tốt, kinh nghiệm tích lũy được từ quá trình triển khai các công trình tương tự trong giai đoạn I. Phương án này cũng sẽ giúp các nhà thầu lớn tham gia có trách nhiệm thi công khối lượng công việc liền mạch.
Ngoài ra, theo ông Trần Chủng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu hiện nay đang có một phần lớn xét về giá trị hợp đồng thực hiện của nhà thầu ứng tuyển. Yêu cầu đặt ra là cần phải xác định hợp đồng đó họ làm công trình gì? Có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công trình cấp đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật riêng như đường cao tốc để lựa chọn được nhà thầu xứng đáng, đủ khả năng đưa dự án cao tốc lớn về đích đúng tiến độ với chất lượng tốt. Việc phân chia gói thầu khi hài hòa lợi ích giữa các nhà thầu liên danh có lợi thế về nguồn lực so với các nhà thầu nhỏ hơn.