Nhu cầu vốn vay gần 24 tỷ USD
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: Liên hiệp gồm nhiều thành viên SME, nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng đang gặp khó do năng lực về kiểm toán, báo cáo tài chính và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn yếu. Trong khi, việc minh bạch thông tin doanh nghiệp để các ngân hàng cho vay vốn là điều kiện tiên quyết.
Trong buổi họp mới đây về "Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho các SME", ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Điều hành khối thông tin doanh nghiệp FiinGroup cho biết: Khoảng 62% tổng nhu cầu tài chính của các SME vẫn chưa được đáp ứng, tương đương khoảng 24 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Minh Tú, các doanh nghiệp SME vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính; tiếp cận khách hàng mới, bởi sau COVID-19, việc trực tiếp gặp khách và thúc đẩy thương mại truyền thống không còn hiệu quả; thiếu công cụ quản trị rủi ro; môi trường kinh doanh, chính sách...
Doanh nghiệp SME chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước, nhưng khả năng vay vốn còn thấp. Tổng nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp SME chỉ chiếm hơn 9% tổng nợ vay của số doanh nghiệp Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn, nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước, nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90%.
Thị trường tài chính tại Việt Nam đang thiếu các sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, dù NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn chậm.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu do bị ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi kinh tế trong nước phục hồi chưa rõ nét, năng lực tài chính của doanh nghiệp bị suy giảm, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn... Về chủ quan, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng thận trọng trong việc cấp tín dụng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.
Cần thêm gói tín dụng nhỏ
Ông Lưu Việt Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng OCB TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho các SME, doanh nghiệp nên lưu trữ cẩn thận và đầy đủ, thường xuyên cập nhật tình trạng pháp lý đúng với thực tế hoạt động. Hồ sơ pháp lý rõ ràng, đầy đủ sẽ rút ngắn thời gian thẩm định, xác minh của ngân hàng, đồng thời tạo được uy tín và sự đảm bảo trong đánh giá của các ngân hàng.
Theo OCB, nếu các doanh nghiệp đã có khoản vay, điều đặc biệt lưu ý là doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện tín dụng. Uy tín của doanh nghiệp khi thực hiện các điều kiện tín dụng sẽ là thước đo quan trọng để được xếp hạng tốt hơn và được cấp những chính sách ưu đãi, kể cả cho vay tín chấp.
Trước thực trạng, tỷ lệ dư nợ tín dụng của nhóm doanh nghiệp SME còn khiêm tốn, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Khối thông tin doanh nghiệp, Phụ trách Mô hình rủi ro và Phân tích dữ liệu của Fiin Group cho rằng: Nhóm doanh nghiệp này cần nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ cần xem xét các chính sách hỗ trợ cho các SME, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận vốn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Anh Đào, đối với ngân hàng, ngoài các ngân hàng thương mại, công ty tài chính trong nước và quốc tế cũng cần quan tâm hơn với doanh nghiệp SME, cũng như có các gói tín dụng đáp ứng nhu cầu, kể cả những gói tín dụng nhỏ của doanh nghiệp SME và các HTX, từ đó doanh nghiệp, HTX mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng.
Các chuyên gia ngân hàng đề xuất một số giải pháp nâng cao tài chính bao trùm cho doanh nghiệp SME Việt Nam như: Cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính, tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng; đa dạng hóa sản phẩm cho vay để phù hợp với bản chất kinh doanh của doanh nghiệp; đa dạng hóa các tổ chức tài chính; tận dụng và tối ưu hóa công nghệ trong hoạt động cho vay…