Khởi sắc xuất khẩu đầu năm

Ngay khi kết thúc nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu (XK) của năm 2016.

Tấp nập đơn hàng

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thời điểm cuối tháng 2/2016, hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý 1, quý 2 và nhiều đơn vị đã có đơn hàng đến hết năm. Các doanh nghiệp lớn đầu ngành như: Garmex Saigon, Vinatex, Intimex... đều tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10 - 20% so với năm 2015. "Kim ngạch XK ngành dệt may trong tháng 1/2016 đạt 2 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2015. Nhờ có nhiều đơn hàng, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên tháng 1 đạt gần 30 triệu m2, tăng gần 10% so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng sản xuất của toàn ngành dệt tăng hơn 12%. Mục tiêu của ngành trong năm nay phấn đấu cao hơn 10% so với năm 2015", ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay.

Nhờ có nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bớt lo đầu ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2016 hứa hẹn sẽ là một năm ăn nên làm ra của các doanh nghiệp XK nông lâm thủy sản. Thị trường XK của nông lâm thủy sản sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm bao gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, thị trường châu Âu, ASEAN, châu Phi... Cụ thể kết thúc tháng 1/2016, XK gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị, ước đạt 495.000 tấn, tăng 57% về khối lượng và 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Còn mặt hàng hạt điều XK cũng có sự tăng trưởng khi XK ước đạt hơn 24.000 tấn, đạt giá trị 183 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015...

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành cho biết, sau Tết doanh nghiệp có đơn hàng dồi dào và có nhiều sự lựa chọn đối tác XK hơn hẳn các năm trước. Hiện đơn hàng của doanh nghiệp đã kín đến tận tháng 9 và tương lai sẽ có thêm nhiều hợp đồng khác từ những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật… góp phần giúp đơn vị tăng doanh thu thêm hơn 25%. "Hiện đang có xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang các doanh nghiệp ở Việt Nam. Thị trường châu Âu đang có những tín hiệu hồi phục, thị trường Mỹ và Nhật vẫn tăng trưởng tốt... Năm nay, ngành gỗ sẽ được hưởng lợi khi nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực", ông Thành lạc quan.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Mặc dù có nhiều đơn hàng nhưng theo nhiều doanh nghiệp, giá trị XK mang lại chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân do có sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ của Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... đã tác động trực tiếp đến giá XK chưa cao. Trong khi đó, rất nhiều chi phí đầu vào đều tăng hơn so với năm 2015 đang làm cho lợi nhuận của không ít doanh nghiệp giảm đáng kể. "Đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và những nước tương đồng với ta về các mặt hàng XK ở những thị trường đầy tiềm năng như: Hoa Kỳ, Nhật Bản... Trong khi đó những rào cản về kỹ thuật, thương mại, xuất xứ nguyên phụ liệu... cũng đang làm đau đầu cho không ít doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó", ông Thành lo ngại.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp XK ngành nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch tổ chức hoạt động đàm phán để mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài... đang tăng cường những giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật, tranh chấp phát sinh trong thương mại. Hiện Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ cung cấp thông tin, dự báo thị trường, cảnh báo những quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu, cũng như phối hợp hiệu quả giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại.

"Năm nay, Bộ đã có kế hoạch cụ thể tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, làm việc với cơ quan thẩm quyền của các nước châu Âu nhằm tiến tới hài hòa những tiêu chuẩn quốc tế, nỗ lực gỡ khó cho XK thủy sản. Với thị trường quan trọng Trung Quốc, thời gian tới, Bộ sẽ chủ động đề xuất đàm phán hai Chính phủ, giúp tạo điều kiện giao thương giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu cả tiểu ngạch và chính ngạch...", ông Nam nói thêm.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Triển vọng tốt từ xuất khẩu gạo
Triển vọng tốt từ xuất khẩu gạo

Sau ba năm liên tiếp gặp nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh gay gắt, bước qua những tháng đầu tiên của năm 2016, xuất khẩu (XK) lúa gạo của Việt Nam có nhiều tin vui, mở ra triển vọng cho nhà nông một năm bớt nhọc nhằn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN