Ngày 7/2, tại huyện Châu Thành (Tiền Giang), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ khởi động lại dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Đây là dự án nằm trong quy hoạch tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 356/QĐ-TTg (ngày 25/2/2013).
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau khi hoàn thành. Ảnh Bộ GTVT cung cấp. |
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có quy mô 4 làn, với tổng mức đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) làm chủ đầu tư đã được khởi công ngày 29/11/2009. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2010 – 2012 và việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên dự án đã tạm hoãn thực hiện. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chuyển giao dự án cho Bộ GTVT.
Để giảm tổng mức đầu tư, tăng hiệu quả đầu tư và tăng mức hấp dẫn của dự án, Bộ GTVT đã chủ trương phân kỳ đầu tư giai đoạn I để theo hình thức hợp đồng BOT và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn I dài khoảng 51,1 km tuyến cao tốc và 4,5 km tuyến nối, có tổng mức đầu tư khoảng 14.678 tỷ đồng theo hình thức BOT. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ (dự kiến từ 1/1/2019) với thời gian thu phí hoàn vốn 20 năm. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (Km 49+620) tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương đang khai thác và điểm cuối tại nút giao với QL30 (Km 100+750) theo lý trình dự án.
Việc Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi động lại sẽ góp phần từng bước hoàn thành tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các trục đường chính; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách; rút ngắn thời gian đi lại; phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư xây dựng trong khu vực, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương dự án đi qua.
Tin, ảnh: Tiến Hiếu (TTXVN)