Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến dự.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả khu vực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách. Tỉnh Đồng Tháp đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban. Cùng với sự quyết tâm, khẩn trương của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện nên việc chuẩn bị đầu tư dự án thành phần 1 đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Dự án thành phần 1 của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng với chiều dài 16km, điểm đầu tại Km0+000 thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh và điểm cuối tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (giáp nối với điểm đầu dự án thành phần 2). Thời gian thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Trên đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 xây dựng 19 công trình cầu; các nút giao; đường gom, đường hoàn trả; hệ thống thoát nước; các công trình khác như hệ thống an toàn giao thông, hàng rào, điện chiếu sáng, gia cố mái taluy… Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường gần 25m, vận tốc thiết kế 100km/h. Còn ở giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, dự án thành phần 1 của cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có 533 hộ nằm trong vùng dự án với diện tích đất thu hồi hơn 89ha. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp UBND các xã của huyện Cao Lãnh tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng theo phương án được duyệt. Có 513/533 hộ đã nhận tiền (đạt trên 96%) với tổng số tiền hơn 478 tỷ đồng; trên 84,3ha diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho dự án.
Qua rà soát, việc giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 có 101 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư, tổng cộng 117 nền. Huyện Cao Lãnh có phương án bố trí nền nhà tái định cư thuộc 2 khu tái định cư là Cả Môn (xã Nhị Mỹ) và Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp) với cơ sở hạ tầng được đầu tư (đường giao thông, điện, nước sạch…) để đảm bảo phục vụ cho cuộc sống người dân.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,43 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 được chia thành 2 dự án thành phần. Trong số đó, dự án thành phần 1 với chiều dài 16km được khởi công hôm nay. Còn dự án thành phần 2, từ Km16+000 đến Km27+430, dài 11,43 km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng sẽ xây dựng thời gian tới.