Tỉnh Trà Vinh có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 5.200 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trà Cú, chiếm diện tích 4.320 ha với hơn 5.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề trồng mía. Cứ vào tháng 10, người dân bắt đầu thu hoạch và tập trung cao điểm nhất từ tháng 11 đến tháng 12 là kết thúc niên vụ trồng mía.
Hơn 200 ghe mía nằm chờ từ 5 - 7 ngày vẫn chưa được đưa vào nhà máy. |
Từ tháng 2 đến tháng 5, nông dân nơi đây bắt đầu xuống giống cho vụ mía năm sau. Một vụ làm, một năm ăn, nghề trồng mía đã trở thành nghề truyền thống là nguồn sống chính của người dân Trà Cú.
Tuy nhiên, vụ mía 2017 - 2018, nông dân trồng mía ở Trà Vinh phải nếm vị “đắng” của cây mía, do nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh “bận” sửa chữa, nâng cấp công suất, chậm đi vào hoạt động đến gần 3 tháng so với hàng năm. Nhà máy chưa hoạt động, không thu mua mía đã làm cho nông dân trồng mía như ngồi trên “đống lửa” vì cây mía cứ dần chết khô trên đồng.
Bình quân, mỗi ha mía nông dân phải đầu tư từ 80 - 90 triệu đồng chi phí mía giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động chăm sóc… Không bán được là thiệt hại trắng tay và nông dân biết lấy tiền đâu cho sinh hoạt để đến niên vụ mía năm sau.
Ông Trần Ngọc Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh cho biết, từ tháng 6/2017, công ty tiến hành cải tạo và nâng công suất nhà máy lên 4.000 tấn mía/ngày, với vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Do quá trình thi công cải tạo, nâng cấp gặp trở ngại về thời tiết, kỹ thuật nên tiến độ hoàn thành quá chậm.
Lý do được ông Hiền lý giải đã không thuyết phục được nông dân và giới kinh doanh ngành mía đường. Bởi lẽ, với công suất hoạt động của nhà máy mía đường tại thời điểm năm 2016 thì tổng lượng mía của cả tỉnh Trà Vinh vẫn chưa đáp ứng đủ so với công suất nhà máy.
Chưa hết, khi nhà máy đi vào hoạt động thu mua mía, người trồng mía còn thất thu vì việc đánh giá chữ đường, tạp chất cây mía của nhà máy khác so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Tiếp, ở ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, mía của ông được đánh giá đạt 11,4 chữ đường, nhưng tạp chất được đánh giá trừ đi đến 2,7%. Như vậy, cứ 100 tấn mía, ông bị trừ đi 2,7 tấn mía.
Theo ông Thạch Anh, ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, ông đã bán cho nhà máy 39 tấn mía cây, đạt 10,1 chữ đường, nhưng bị trừ tạp chất 2,5%. Hơn 20 năm trồng mía ông đã bán mía cho nhiều nhà máy mía đường nhưng chưa bao giờ cây mía được trồng trên ruộng gia đình tạp chất bị đánh giá đến 1%. Ông bày tỏ, không biết nhà máy mía đường căn cứ vào đâu để đánh giá tỷ lệ tạp chất.
Không chỉ đánh giá về tạp chất, năm nay Nhà máy mía đường Trà Vinh lại có thêm qui định mới chưa có tiền lệ. Đó là thu mua theo chữ đường mía với cách tính “tăng 10, giảm 9”, không như trước đây là “tăng 10, giảm 7”. Tức là nếu mía tăng trên 10 chữ đường nông dân được mua tăng thêm 100 đồng/kg. Ngược lại, nếu mía giảm dưới 10 chữ đường thì bị mua giảm 70 đồng/kg. Nhưng năm nay, nếu mía giảm chữ đường thì nông dân bị mua giảm đến 90 đồng/kg.
Theo người dân trồng mía và giới kinh doanh ngành mía đường, việc đánh giá trừ tạp chất là đương nhiên. Nhưng thường tỷ lệ tạp chất cao chỉ đối với mía bị sâu bệnh, mía non, chữ đường thấp. Còn mía đạt từ 10 chữ đường trở lên thì trước nay chưa bao giờ vượt qua mức tỷ lệ trừ 1%.
Chậm hoạt động, thu mua mía đánh giá tạp chất và qui định trừ giảm chữ đường cao hơn năm trước, nhưng tiến độ sản xuất lại quá “ì ạch” so với công suất mới mà nhà máy cho là cải tạo nâng cấp. Vì vậy, lượng mía thu hoạch tập trung chở về nhà máy chưa cân bán được. Hàng trăm ghe mía phải nằm chờ trên sông, cây mía tiếp tục bị khô, bị giảm chữ đường, mất chất lượng. Tính đến ngày 22/5, trên đoạn sông Mù U, bến tập trung mía nguyên liệu chờ bán cho nhà máy vẫn còn ghe mía nằm chờ. Chưa bao giờ người dân trồng mía ở Trà Vinh thu hoạch bán mía trễ hạn như năm nay.
Ông Lâm Văn Rộng, ấp Xoài Lơ, xã An Quảng Hữu cho biết, cây mía thu hoạch trễ thời hạn bị khô, ruột cây mía bị sơ vì mất nước, chữ đường giảm đi nhiều. Gia đình ông có 0,3 ha không đem cân bán cho nhà máy được, kêu thương lái bán với giá 40 triệu đồng/ha (khoảng 100 tấn mía/ha), rẻ hơn đến 50 triệu đồng, nhưng chẳng ai thèm mua.
Còn ông Thạch Dương, ấp Long Thuận, xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, cách đây khoảng 20 ngày, một số hộ không có nhân công thu hoạch, cây mía không còn chất lượng kêu bán 200 đồng/kg cũng chẳng ai "ngó" tới.