Bà Hồ Thị Thương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vườn Thương, Phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho rằng UBND thành phố Đà Lạt đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vi phạm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, thành phố Đà Lạt đã ra hai quyết định xử phạt trên một hành vi, trong khi theo quy định “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần".
Bà Hồ Thị Thương khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, thực hiện tháo dỡ những công trình vi phạm và đi nơi khác, khi có phương án đền bù đúng quy định, cũng như ban hành văn bản đúng quy trình; đề nghị UBND thành phố Đà Lạt và UBND tỉnh Lâm Đồng xác định đúng loại đất thu hồi, để tính toán trị giá bồi thường. Vì đất của chúng tôi đã đưa vào sử dụng với mục đích sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ từ năm 1992 đến nay”.
Theo đó, khi UBND thành phố Đà Lạt có quy hoạch khu du lịch hồ Tuyền Lâm thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vườn Thương đã đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định và hợp pháp gần 30 năm qua.
Cũng theo bà Hồ Thị Thương: UBND thành phố Đà Lạt không thực hiện việc đền bù, di dời hộ dân theo quy định của luật đất đai và bất cập trong việc áp giá đất đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, đơn giá bồi thường không phù hợp với quy định tại thời điểm thu hồi đất theo luật đất đai đã quy định; không thực hiện việc đổi đất, giao đất để di thực cây thuốc quý; không có phương án hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động khi doanh nghiệp bị thu hồi đất; không bồi thường thiệt hại do việc chậm ban hành văn bản đền bù, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt (Khu du lịch đường hầm đất sét) Nguyễn Võ Lê Huy phản ánh: Việc yêu cầu Công ty tự tháo dỡ 43 hạng mục công trình xây dựng không phép nằm ngoài ranh giới đất được thuê, thời gian thực hiện trong tháng 6/2019 là chưa thỏa đáng. Trong 43 công trình nói trên, doanh nghiệp đã được Sở Xây dựng Lâm Đồng thẩm định hồ sơ xin cấp phép từ tháng 10/2016. Tuy nhiên từ đó đến nay, UBND tỉnh chỉ trả lời “Yêu cầu Sở Xây dựng rà soát” chứ không chấp thuận. Như vậy, quy trình ban hành văn bản của các cơ quan kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, từ tháng 3 năm 2018 đến nay, TTXVN đã có nhiều bài phản ánh việc một số doanh nghiệp trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm vi phạm ranh giới đất được thuê và thuộc khu vực bảo vệ I của Di tích; cũng như việc UBND thành phố Đà Lạt ban hành nhiều văn bản chồng chéo hoặc văn bản dựa trên các quy định đã hết hiệu lực từ nhiều năm trước, trái quy định hiện hành. Trong quá trình quản lý, địa phương đã chậm phát hiện những công trình sai phạm, thậm chí ra quyết định xử phạt sau khi đã xây dựng công trình được 1 - 2 năm, gây khó khăn trong công tác giải tỏa, khắc phục hậu quả.
Liên quan đến nội dung này, tháng 4/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tập trung chỉ đạo kiểm tra và chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các vi phạm đất đai, xây dựng, trong Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh cần tăng cường quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm; tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8/2019.