Khó đạt mục tiêu về việc cấp chứng chỉ rừng

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam từ nay đến 2020 đặt mục tiêu phải đạt 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng. Nhưng theo lãnh đạo ngành lâm nghiệp, mục tiêu này thực sự là một thách thức lớn.

 

Nhiều lợi ích nhờ có chứng chỉ rừng

 

Để các sản phẩm gỗ của Việt Nam thâm nhập được vào thị trường quốc tế và đạt được giá cả tối ưu, việc có được chứng chỉ rừng là hết sức quan trọng. Trong đó, chứng chỉ rừng FSC của Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế (FSC) được xem như một công cụ để quản lý và kinh doanh rừng hiệu quả. FSC có bộ tiêu chuẩn cho sự phát triển và phê duyệt các tiêu chuẩn quản lý quốc tế, phù hợp với từng loại rừng. Các tiêu chuẩn của FSC là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững.


Một gia đình ở xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, Phú Yên khai thác rừng keo lá tràm được trồng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Ảnh: Thế Lập - TTXVN

Việc thực hiện các tiêu chuẩn của FSC góp phần đem lại tính bền vững về mặt kinh tế, bên cạnh các khía cạnh bền vững về môi trường và xã hội cho hoạt động quản lý rừng. Tuy nhiên, đối với rừng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn khẳng định: Để đạt được chứng chỉ này không dễ. Phải thỏa mãn hàng trăm tiêu chí rất ngặt nghèo về lâm sinh, giải quyết các vấn đề xã hội, đời sống của người dân về bảo vệ môi trường… mới có thể được cấp chứng chỉ FSC.


Về tầm quan trọng của việc cấp chứng chỉ rừng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, khi có được chứng chỉ rồi, chủ rừng sẽ có mối lợi rất lớn. “Một là, thương hiệu và uy tín của sản phẩm sẽ được nâng cao không chỉ ở trong nước mà cả ở thương trường quốc tế. Hai là, những sản phẩm được khai thác, được bán ra từ khu rừng được cấp chứng chỉ sẽ có giá bán trên thị trường thế giới cao hơn gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản phẩm của những nơi không có chứng chỉ đó. Sự chênh lệch này sẽ ngày càng tăng lên bởi xu hướng của thị trường quốc tế hiện nay là quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp. Khi cả thế giới quản lý tốt hơn nguồn gốc gỗ hợp pháp thì không còn “cửa” cho gỗ bất hợp pháp nữa”.


Còn theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiêp), lợi thế về giá này có ý nghĩa hơn trong giai đoạn đầu khi diện tích rừng trên thế giới được chứng chỉ còn ít. Điều cốt yếu là về lâu dài, chứng chỉ của FSC chính là “tấm giấy thông hành” để các sản phẩm gỗ của nước ta vượt qua các “rào cản” về kỹ thuật được đặt ra từ các thị trường các nước phát triển.

 

Nhiều rào cản

 

Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp cho biết, năm 2007, nước ta mới chỉ có 1 đơn vị được cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên đến nay, chúng ta đã có hơn 100 công ty với các hình thức sở hữu khác nhau trong các lĩnh vực trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ được cấp chứng chỉ FSC.


Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp từ nay đến 2020, nước ta đặt mục tiêu phải đạt 30% diện tích rừng sản xuất (tương đương khoảng 2 triệu ha) được cấp chứng chỉ. “Con số này không cao nhưng để đạt được cũng là thách thức rất lớn vì chủ rừng của chúng ta rất không đồng nhất, diện tích rừng của chúng ta rất manh mún và các loại rừng của chúng ta cũng rất khác nhau, bên cạnh đó, chi phí cho việc cấp chứng chỉ cao...”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lo ngại.


Hiện nay, đã có 41,7 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ, chủ yếu là rừng sản xuất. Trong số 8 doanh nghiệp của nhà nước được cấp chứng chỉ rừng, Tổng công ty giấy Việt Nam (5 công ty lâm nghiệp: Đoan Hùng, Sông Thao, Yên Lập, Vân Đài, Cầu Ham…) có diện tích rừng được cấp chứng chỉ lớn nhất.


Chứng chỉ rừng là sự xác nhận bằng văn bản đối với một đơn vị quản lý rừng được sản xuất trên cơ sở rừng tái tạo lâu dài, không ảnh hưởng đến các chức năng sinh thái của rừng và môi trường xung quanh, không làm suy giảm tính đa dạng sinh học. Mỗi chứng chỉ chỉ có thời hạn 5 năm, hết thời hạn nếu đạt yêu cầu, FSC sẽ cấp lại. Sau khi được cấp chứng chỉ, chủ rừng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của FSC hằng năm. Nếu không đạt những tiêu chuẩn chính thì sẽ bị FSC thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

Trong bối cảnh khó khăn của 171 lâm trường quốc doanh và 3 triệu người dân là chủ rừng của chúng ta hiện nay, về kinh phí, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng thừa nhận: “Để đạt được cấp chứng chỉ cho 2 triệu ha rừng, với điều kiện ngân sách của chúng ta hiện nay rất khó có thể làm được. Chúng ta phải có sự tác động của cơ chế chính sách. Nhà nước phải có vai trò “bà đỡ” tốt mới có thể đạt mục tiêu 2 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ”. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, sở dĩ Tổng công ty giấy Việt Nam với nhiều đơn vị thành viên đã có khoảng 16 nghìn ha được cấp chứng chỉ bởi đơn vị này có điều kiện thuận lợi là tiềm lực về kinh tế mạnh hơn các doanh nghiệp trong ngành lâm nghiệp. Đồng thời, rừng của họ hầu hết là rừng trồng tập trung nên điều kiện để thực hiện các bộ tiêu chí FSC đơn giản hơn là vùng manh mún.


Để hóa giải khó khăn về chi phí, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng xây dựng Tổ chức cấp chứng chỉ rừng của Việt Nam đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc liên kết với Tổ chức cấp chứng chỉ rừng quốc tế để giảm giá cho đơn vị quản lý rừng được cấp chứng chỉ”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN