Khan hiếm nguồn cung khiến giá cà phê Robusta tăng lên mức cao kỷ lục

Thời gian vừa qua, thông tin Việt Nam cố tình “găm hàng” đã góp phần đẩy giá cà phê Robusta lên mức cao nhất trong vòng 30 năm.

Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đây chỉ là tin đồn tác động đến tâm lý thị trường. Tình hình khan hiếm nguồn cung tại các khu vực trồng cà phê trọng điểm mới là yếu tố chính hỗ trợ cho giá Robusta.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá cà phê nội địa vượt 92.000 đồng/kg

Trong hơn hai tháng đầu năm 2024, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa Châu Âu (ICE-EU) liên tục phá vỡ kỷ lục. Theo ghi nhận từ MXV, giá cà phê Robusta đã chạm mức cao nhất 30 năm vào ngày 7/3 vừa qua khi đóng cửa tại 3.381 USD/tấn. 

Tại thị trường nội địa, giá cũng liên tục tạo đỉnh mới, thậm chí mức tăng còn “chóng mặt” hơn giá cà phê thế giới. Theo dữ liệu của giacaphe.com, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam chạm mức cao nhất trong lịch sử sau khi vượt 92.000 đồng/kg vào ngày 8/3. Mức giá kỷ lục mới tăng 35% so với đầu năm và cao gấp gần hai lần mức giá khoảng 48.000 đồng/kg vào cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh tình trạng nguồn cung bị gián đoạn do xung đột tại Biển Đỏ, thông tin nông dân và thương nhân tại Việt Nam cố tình “găm cà phê” để chờ giá cao hơn đã gây tâm lý lo ngại cho thị trường về việc thiếu hụt nguồn cung Robusta và đẩy giá cà phê chạm đỉnh. 

Chú thích ảnh

Trong đó, các hãng tin quốc tế như Reuters, Bloomberg đều đưa tin và cho rằng nguyên nhân giá cà phê Robusta thế giới tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm 2024 xuất phát từ tình trạng găm hàng chờ giá cao của nông dân và thương nhân cà phê Việt Nam.

Nhận định về tác động của tin đồn này, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV cho rằng: “Giá hàng hóa nói chung và mặt hàng cà phê nói riêng rất nhạy cảm với các tin đồn về cung cầu, đặc biệt khi Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Do đó, khi thông tin này xuất hiện, tâm lý thị trường thay đổi đã nhanh chóng và tác động lên giá cà phê dù chưa thông qua dữ liệu thực tế”.

Việt Nam có cố tình “găm hàng” chờ giá không?

Theo MXV, cho đến nay, thông tin nông dân và thương nhân Việt Nam cố tình không bán cà phê để chờ giá cao hơn là chưa có căn cứ. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường cà phê có thể đang diễn ra nhưng nguyên nhân không đến từ yếu tố chủ quan tại Việt Nam. 

Đầu tiên là từ khi hoạt động thu hoạch cà phê vụ 23/24 của Việt Nam vào chính vụ, lượng cà phê xuất khẩu luôn ở mức cao so với các năm trước. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu cà phê từ tháng 11/2023 đến hết tháng 2/2024 cao hơn 9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 22% so với mức trung bình 5 năm gần nhất. 

Chú thích ảnh

Thứ hai là tình trạng khan hiếm cà phê cũng xảy ra ngay tại thị trường nội địa dù hoạt động thu hoạch vụ 23/24 mới kết thúc. Cụ thể, sản lượng cà phê tại Việt Nam trong niên vụ 23/24 đã được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp do những tác động xấu từ thời tiết. Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê niên vụ 23/24 giảm 10% so với niên vụ trước, còn khoảng 1,6 triệu tấn, là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây. 

Hơn thế, tồn kho ở mức thấp từ vụ trước khiến nông dân không có nhiều dư lượng cho xuất khẩu vụ mới. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà phê cuối vụ 22/23 của Việt Nam là 339.000 bao và dự kiến cuối vụ 23/24 cũng chỉ ở mức 359.000 bao, là mức thấp thứ ba trong 17 niên vụ trở lại đây.

Thứ ba là tại khu vực Tây Nguyên, bên cạnh việc tập trung canh tác cà phê, nông dân ngày càng chú trọng hơn đến một số loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao khác như sầu riêng, chanh leo. Hơn thế, so với các loại cây ăn quả trên, thời gian bảo quản của cà phê thường lâu hơn. Do đó, nông dân cũng có xu hướng ưu tiên vận chuyển sầu riêng và chanh leo trước. 

Nguồn cung từ Việt Nam vẫn là yếu tố làm chủ thị trường

Thông tin găm hàng đã tác động mạnh mẽ lên diễn biến giá cà phê Robusta trên Sở ICE-EU. Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của cà phê Việt Nam trên bản đồ thị trường cà phê thế giới.

Theo USDA, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Trung bình, lượng xuất khẩu cà phê trong một năm của Việt Nam vào khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26-27 triệu bao loại 60kg), cao gấp hơn hai lần tổng lượng cà phê Robusta xuất khẩu của hai quốc gia đứng sau là Brazil và Indonesia, với khoảng 11 triệu bao. 

Chú thích ảnh

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa thời điểm thu hoạch cà phê của Việt Nam và Brazil cũng tạo cơ hội để cà phê Việt Nam “một mình một chợ” trong những tháng đầu năm. Thông thường, thời gian thu hoạch cà phê của nước ta kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 1 năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cà phê Việt Nam sẽ sẵn có nhất trong những tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, Brazil, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ hai toàn cầu lại thu hoạch cà phê vào khung thời gian trái ngược hoàn toàn, kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 8. 

Nhận định về thị trường cà phê trong thời gian tới, ông Dương Đức Quang cho biết: “Việt Nam vẫn sẽ là thị trường tiêu điểm của cà phê Robusta trong nửa đầu năm 2024, trước khi Brazil bắt đầu vụ mới. Hơn thế, tình trạng nguồn cung và triển vọng vụ mới của nước ta đang không mấy khả quan, khả năng cao sẽ thúc đẩy giá Robusta tiếp tục neo ở mức cao trong đầu quý II/2024”.

Trịnh Thảo (Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV))
'Cà phê sửa chữa' thịnh hành tại Anh
'Cà phê sửa chữa' thịnh hành tại Anh

Trong những năm gần đây, sự kiện "cà phê sửa chữa" đang gia tăng trên khắp nước Anh, khi mọi người cố gắng hồi sinh đồ vật hỏng hỏng thay vì vứt chúng đi, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và bền vững là xu thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN