Tắc nghẽn giao thông tại TP.HCM, đặc biệt là cửa ngõ Đông Bắc diễn ra hơn 3 thập kỷ nay gây tổn thất về kinh tế và con người song vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả.
Giống như một khán phòng cho hàng trăm người, các kiến trúc sư phải tổ chức 2 hay nhiều cửa để lưu thông, đồng thời để thoát hiểm khi có sự cố. Giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đang rơi vào thế “độc đạo“ do thiếu tầm nhìn về quy hoạch giao thông mà ngốn không biết bao nhiêu tiền của vẫn rơi vào bế tắc . Thành phố Hồ Chí Minh đang nằm ở “top 20” những thành phố đông dân nhất thế giới của thế giới hiện tại, đã lên tới trên 10 triệu dân, đang gánh chịu những hậu quả về ùn tắc giao thông, ngập úng và ô nhiễm môi trường. Nếu không có những giải pháp kịp thời, tích cực thì hậu quả sẽ là cực kỳ nghiêm trọng và việc cứ đổ hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước vào những giải pháp tình thế sẽ trở nên vô nghĩa.
Nỗi khổ kéo dài hơn 3 thập kỷ
Phải nhìn thẳng vào sự thật, do thiếu Chiến lược Giao thông và Quy hoạch giao thông của Bộ GTVT nên TP.HCM trở thành một điểm nút giao thông khổng lồ “bất đắc dĩ” của hàng chục triệu dân từ miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ đổ về mỗi ngày với hàng vạn hành khách cùng phương tiện và hàng hóa. Tắc nghẽn tại cửa ngõ phía Đông Bắc trên QL 1A trừ trung tâm đến Biên Hòa là tất yếu và ngày càng nghiêm trọng vì tại đó bị chia cắt bởi sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tạo nên một “cổ chai” qua cầu cùng trên một trục quốc lộ 1 A mà đó lại là cửa ngõ duy nhất nối thông với các tỉnh miền Trung, miền Bắc, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Mặc dù đã có đại lộ Đông Tây đã thông xe vài năm nay song “Cổ chai“ Đông Bắc đó vẫn chưa có gì được cải thiện. Những ai đã đi qua Ngã ba Vũng Tàu tại TP Biên Hòa mới thấy hết sự quá tải của vùng cổ chai này.
Cầu Đồng Nai mới trong ngày khánh thành giai đoạn 1. Ảnh : Kim Phương-TTXVN. |
Hành khách các tỉnh miền Đông như Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận đi máy bay ra Hà Nội và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc đều đổ dồn vào Tân Sơn Nhất, nếu đi đường bộ vẫn đổ dồn vào ga Sài Gòn và bến xe Miền Đông với mỗi ngày có hàng vạn con người và hàng ngàn xe cộ thì tắc nghẽn tại cửa ngõ là không thể tránh khỏi. Đáng tiếc, thực trạng này kéo dài ba thập kỷ song đến nay hơn 300 tiến sỹ bộ GTVT vẫn chưa ai nhìn thấy!
Trên thế giới, các thành phố có trên 3 triệu dân đều có ít nhất 2 sân bay, 2 nhà ga xe lửa, hai bến xe, bến tàu… ở hai đầu thành phố để thoát người và chi viện cho nhau khi cần thiết. Vậy mà TP.HCM - một siêu đô thị gấp ba lần dân số đó đang ở thế “độc đạo“, chỉ có duy nhất một sân bay, một nhà ga xe lửa, hai bến xe ôtô nằm ngay trong nội đô thì cũng chỉ có tác dụng như “hai trong một“ .
Biên Hòa là thành phố công nghiệp nằm ở phía Đông cách trung tâm TP.HCM chỉ 30 km, nơi trục nối thông với các tỉnh phía Đông, Đông Bắc các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, tại sao chúng ta không khai thác lợi thế đó để giải bài toán ùn tắc giao thông cho TP Hồ Chí Minh. |
Tắc nghẽn tại cửa ngõ phía Đông, tắc nghẽn ngay tại cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất, ùn tắc giao thông toàn thành phố đang là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo, các nhà quản lý Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh và bộ GTVT song chưa ai đưa ra được giải pháp cụ thể, tất cả chỉ là “Tầm nhìn xa“ 10 năm 20 năm và thậm chí là 50 năm!
Vậy tại sao không tổ chức một cửa ngõ giao thông ngay tại phía Đông bắc TP.HCM để giảm ùn tắc cho nội đô? Đó là câu hỏi nhức nhối cho các “Chiến lược gia“ về giao thông vận tải của hơn 300 tiến sỹ Bộ GTVT và hàng ngàn kiến trúc sư quy hoạch về tổ chức không gian kiến trúc và mạng lưới lưu thông.
Sân bay dân dụng và quân sự Biên Hòa - Tại sao không !?
Tại Biên Hòa có một sân bay quân sự mang tầm chiến lược rất hiện đại trị giá tài sản khoảng gần 10 tỷ USD được xây dựng cùng thời với sân bay Đà Nẵng với hai đường băng bê tông với chiều dài 3.000 mét có khả năng tiếp nhận được những máy bay quân sự hạng nặng là siêu pháo đài bay B52 - loại máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới với tải trọng trên 30 tấn. Từ sau thống nhất đất nước sân bay này gần như bỏ không , sau này làm sân bay để luyện tập và thường trực bảo vệ chủ quyền vùng trời và biển đảo.
Nếu được xây dựng nhà ga Hàng không và trang bị thêm hệ thống dẫn đường ban đêm sẽ trở thành một sân bay tầm cỡ quốc tế hiện đại với chức năng là sân bay nội địa và cả quốc tế có khả năng tiếp nhận được tất cả các máy bay dân dụng hiện đại nhất hiện nay như Boeing 777- 787, Airbus 320 - 321 cũng như những máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay .
Với dân số TP.HCM, Đồng Nai, Các tỉnh Đông Bắc, Tây Nguyên… lượng hành khách thông qua sẽ lớn hơn sân bay quốc tế Đà Nẵng song vẫn đảm đương được chức năng của một sân bay quân sự giống như Đà Nẵng và Nội Bài. Sân bay này có khả năng lưu thông được 10-15 triệu hành khách/năm góp phần đáng kể cho giải quyết quá tải hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất và giảm quá tải cho cửa ngỏ đông bắc TP.HCM.
Chỉ cần một trận mưa kéo dài 2 giờ là sân bay Tân Sơn Nhất ngừng hoạt động, các máy bay đến TSN buộc phải quay lại nơi xuất phát gây lãng phí và hết sức nguy hiểm. Nếu có thêm sân bay Biên Hòa sẽ giải quyết tắc nghẽn hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp khi thực hiện các phương án chống khủng bố hoặc sự cố máy bay, đồng thời làm một cơ sở hậu cần kỹ thuật bồi dưỡng sửa chữa máy bay cho các tỉnh phía Nam .
Và một nhà ga xe lửa tầm cỡ
Nhà ga xe lửa Biên Hòa nằm ngay trên trục đường sắt Bắc Nam, nếu cải tạo nâng cấp có khả năng tiếp nhận được 5-7 triệu lượt hành khách/năm. Vị trí thuận lợi này có thể tiếp nhận một lượng lớn hành khách từ các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, các quận Thủ Đức, quận 9… để không dồn về trung tâm Sài Gòn. Đặt tại Biên Hòa một bến xe liên tỉnh để vận chuyển lượng hành khách, hàng hóa ra Bắc mà không đi vào trung tâm thành phố.
Cách làm trên sẽ nhanh chóng giảm tải ngay cho Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, bến xe miền Đông, giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông do giảm được một lượng người và phương tiện đi vào Sài Gòn đồng thời giảm được chi phí, thời gian đi lại của nhân dân. Sáng kiến khai thông cửa ngõ Đông Bắc có giá trị còn hơn một tuyến tàu điện ngầm hay tàu điện mặt đất trị giá 2 tỷ USD giảm tải hàng vạn khách, hàng ngàn phương tiện ra vào Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày để giảm ùn tắc, khói bụi và tiếng ồn…
Tình trạng kẹt đường hàng không, kẹt xe đường bộ ở Đông Bắc hiện nay cho thấy TP Hồ Chí Minh phải khẩn cấp có thêm sân bay để giảm tải. Sáng kiến mang tính bền vững này sẽ tiết kiệm được vốn đầu tư hàng chục tỷ USD mà có thêm được một sân bay quan trọng cho Thành phố Hồ Chí Minh và cho cả Biên Hòa để nhanh chóng có ngay một sân bay quốc tế để trở thành thành phố trực thuộc TW. Dự án “Chuyển đổi sân bay Biên Hòa thành sân bay quốc tế và quốc nội" đã được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh hoan nghênh, được đông đảo nhân dân ủng hộ song cho đến nay vẫn chưa được thực hiện là một điều đáng tiếc. Lãng phí sân bay Biên Hòa gần 10 tỷ USD đang là nỗi nhức nhối của những nhà khoa học và những người Việt Nam yêu nước giữa lúc chúng ta đang quá tải nghiêm trọng về giao thông và tắc nghẽn hàng không và lúng túng đi vay vốn ODA cho những dự án “tầm nhìn” 2020-2050 !
Tệ quan liêu lãng phí hiện nay đang đẩy giao thông TP.HCM vào tình cảnh tắc nghẽn ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi nghiêm trọng đặc biệt là quá tải và thảm họa giao thông .
Bài toán tắc nghẽn cửa ngõ phía đông Sài Gòn cũng như bài toán tắc nghẽn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã có lời giải và đáp số chính xác mà từ trước tới nay chưa một ai đề cập đến. Đã đến lúc Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương… cần có cái nhìn chính xác , khoa học về thực trạng giao thông và có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông , tiết kiệm đầu tư công cho Nhà nước và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân!
Tiến sĩ Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam)