Khai thác lợi thế doanh nghiệp Việt trong cộng đồng kinh tế ASEAN

Theo thông tin được ra tại cuộc tọa đàm "50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng nay tại Hà Nội, chỉ có khoảng 16% DN thực sự hiểu về AEC.

Sự kiện do Bộ Ngoại giao và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) phối hợp tổ chức nhân dịp 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chỉ khoảng 16% doanh nghiệp hiểu về AEC

Việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong nước có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN. Tuy nhiên, lợi ích và cơ hội AEC có thể đem lại cho cộng đồng DN các nước thành viên ASEAN, trong đó có DN Việt Nam, vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo. Bên cạnh đó, cộng đồng DN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.

Ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, khẳng định sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.

“Hơn bao giờ hết, DN cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập. Một số khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 16% DN thực sự hiểu về AEC. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng kinh tế ASEAN tới cộng đồng DN luôn là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia ASEAN thời gian qua trong đó có Việt Nam”, ông Vũ Quang Minh cho biết.

Tổng Thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cần quan tâm hỗ trợ DN tận dụng các cơ hội từ ACE.

DN phải chủ động tham gia “luật chơi” hội nhập

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các DN Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, hiện thực hoá AEC ở tầm phát triển mới chính là nhiệm vụ của chính phủ các nước thành viên và của cộng đồng DN. Thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối từ hạ tầng đến người dân là những việc các Chính phủ cần thúc đẩy.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, DN chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự “đặt chân” vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực. Hơn lúc nào hết, cộng đồng DN không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các DN.

Các đại biểu thảo luận bàn tròn tại tọa đàm.

Tiến sĩ Rebecca Fatima Sta Maria, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết, khi tham dự triển lãm trong khuôn khổ hội thảo, bà nhận thấy các sản phẩm của Việt Nam đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu nhưng còn thiếu nhiều yếu tố. Hàng hóa không có nhãn mác tiếng Anh, nhân lực không nói được tiếng Anh, không giới thiệu được sản phẩm. Điều đó cho thấy còn rất nhiều việc cần làm để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hội nhập.

“Với tôi quan trọng nhất là tiếp cận và thu hút tham gia vào ASEAN của cộng đồng DN, cộng đồng DN là tác nhân tạo sự khác biệt, nếu họ không nói cho Chính phủ cần làm gì thì Chính phủ rất khó để hỗ trợ tốt nên Chính phủ phải lắng nghe, cộng đồng DN sẽ làm những gì để có được nền kinh tế kết nối hội nhập vì nếu họ không bán được sản phẩm thì hội nhập làm gì? Như vậy mối quan hệ Chính phủ và DN rất quan trọng”, bà Rebecca Fatima Sta Maria cho hay.

Còn ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển Sản phẩm Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, là DN đã tham gia hội nhập, điều quan trọng DN phải tự nhận thức sự tồn tại của mình, nếu không có sự chủ động thì cơ hội sẽ mất đi. Cùng với đó, để hội nhập với cộng đồng ASEAN hay bất cứ đâu, DN muốn tồn tại và phát triển phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý và tính thuận thiện, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Khánh cũng cho hay, vai trò của các hiệp hội, ngành nghề với sự phát triển và hội nhập của DN là rất quan trọng nên cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức này.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, so với các nước có nền kinh tế tương tự trong Đông Nam Á thì tỷ lệ DN Việt Nam tham gia chuỗi kinh tế toàn cầu chỉ chiếm 36% so với Malaysia hay Thái Lan là 60%. Hiện VCCI đã đặt ra các mục tiêu hỗ trợ DN hội nhập như thúc đẩy xuất khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với DN FDI và xúc tiến phát triển các DN lớn đầu tư ra nước ngoài.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
Việt Nam có thể trở thành đối tác lớn nhất của EU tại ASEAN
Việt Nam có thể trở thành đối tác lớn nhất của EU tại ASEAN

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Tạp chí CAP’IDF (Pháp)về tiềm năng thương mại giữa Việt Nam - EU khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN