Khắc phục nghịch lý trong điều hành giá điện

Đây là chủ đề chính của hội thảo Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường do Học viện tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 14/3, tại Hà Nội.


Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế quản lý nhà nước về giá điện của nước ta hiện nay được thực hiện theo hướng tạo điều hiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành điện có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng. Chính sách này yêu cầu giá điện phải đảm bảo bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận hợp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển điện lực. Tuy nhiên giá điện hiện nay lại thấp. Theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, giá điện thấp là một trong những nguyên nhân đẩy cầu về điện lên cao và khuyến khích người sử dụng điện một cách lãng phí. Gía điện rẻ không chỉ tạo điều kiện sử dụng điện lãng phí ở quy mô lớn, doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu tiêu tốn điện năng nhiều mà còn hạn chế việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác.


Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


TS Nguyễn Ngọc Tuyến cũng nhấn mạnh: Trong 10 năm qua, nước ta đã điều chỉnh giá điện tăng 7 lần, với mức điều chỉnh năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể từ năm 2002 đến 2011 đã tăng 75,7% nhưng nếu quy đổi sang USD thì giá điện chỉ tăng 29,9%. Tuy nhiên, chính sách về giá bán điện hiện nay đang tồn tại một số bất cập như đưa ra nhiều tham vọng để đạt được các mục tiêu, việc xác định mục tiêu vào chính sách nào có thể làm được, mục tiêu nào nằm ngoài chức năng của giá cả còn chưa rõ ràng khiến việc quản lý và điều hành giá điện khó khăn, lúng túng và rơi vào thế " tiến thoái lưỡng nan".


Đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Điện là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, dù giá có tăng bao nhiêu thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể chấp nhận những áp đặt thiếu minh bạch, không hợp lý. Giá điện chỉ có thể tăng khi các vật tư đầu vào như: dầu khí, than... tăng mà không thể tăng để bù lỗ cho những hoạt động quản lý yếu kém và trả lương không hợp lý cho ngành điện. Muốn để cho người tiêu dùng có thể thông cảm với việc tăng giá điện, thì mọi hoạt động của ngành điện cần phải được công khai minh bạch hơn.


Theo bà Nguyễn Thị Lan, Học viện Tài chính, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra các giải pháp để thích ứng khi giá điện điều chỉnh theo cơ cấu giá thị trường. Mỗi doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ giá điện trong cơ cấu giá thành để có sự điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp như tiết kiệm các chi phí đầu vào, cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị và giảm tiêu hao năng lượng...


Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, dù giá điện đã từng bước được điều chỉnh theo lộ trình nhưng vẫn chưa phản ánh hết được biến động của các chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào hợp lý. Giá điện phải dần bù đắp được các chi phí thực tế, hợp lý khi bỏ ra sản xuất và kinh doanh điện; trong đó có cả các chi phí sản xuất, kinh doanh điện còn "treo" lại chưa được tính vào phương án giá điện. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho hộ sử dụng điện là hộ nghèo, hộ thu nhập thấp cần tiếp tục được thực hiện, đồng thời thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định và công bố công khai để tạo sự minh bạch, đồng thuận của xã hội.


Thùy Dương


Từ 20/12, giá điện bình quân tăng thêm 62 đ/kWh
Từ 20/12, giá điện bình quân tăng thêm 62 đ/kWh

Bộ Công Thương đã có văn bản số 380/BCT-ĐTĐL về việc điều chỉnh giá bán điện và đồng ý với đề nghị điều chỉnh giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN