Khả năng bình ổn thị trường vàng đã rõ

Nhờ những nỗ lực ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bước đầu, tình trạng “vàng hóa” trong các tổ chức tín dụng đã được chấm dứt, hoạt động mua bán vàng không còn biến động mạnh như trước đây. Tuy nhiên, vẫn nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho các nhà quản lý trong việc giữ ổn định thị trường vàng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy (ảnh), Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) xung quanh vấn đề này.

 

Xin ông có thể đánh giá về diễn biến của thị trường vàng trong nước thời gian qua?


Tôi lưu ý bốn sự kiện chúng ta cần quan tâm từ đầu năm tới nay. Thứ nhất là trong hơn 8 tháng qua, diễn biến của giá vàng rất phức tạp, so với đầu năm, giá vàng thế giới hiện nay giảm trên 20%. Thứ hai, lần đầu tiên NHNN tổ chức sản xuất và thực hiện đấu thầu bán vàng miếng trên thị trường với tư cách là người mua bán, can thiệp cuối cùng. Thứ ba, NHNN đã tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh vàng miếng từ trên 12.000 điểm xuống còn 2.500 điểm được cấp phép. Thứ tư, trong 6 tháng đầu năm 2013, các tổ chức tín dụng đã thực hiện tất toán toàn bộ số dư, huy động vàng, mua lại vàng để trả cho người dân với khối lượng khoảng 30 tấn.


Có thể nói, trong thời gian qua, với việc NHNN triển khai Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và trực tiếp tham gia với tư cách là người mua bán cuối cùng thì thị trường vàng của Việt Nam đã tương đối ổn định và sự đầu cơ, lũng đoạn, làm giá trên thị trường đã không còn. Tôi cho rằng đây là kết quả bước đầu rất quan trọng trong quá trình sắp xếp lại tổng thể thị trường vàng miếng của Việt Nam. Việc tham gia thị trường trong thời gian vừa qua đã cho thấy khả năng của NHNN trong việc bình ổn thị trường vàng về lâu dài là rất rõ ràng.

 

Khi biên độ giá vàng trong và ngoài nước được thu hẹp, đã xuất hiện khuyến cáo NHNN nên ngừng đấu thầu vàng, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Thời gian gần đây, NHNN đánh giá tình hình mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước đã được thu hẹp và NHNN cũng đã có những điều chỉnh phù hợp với diễn biến cung cầu trên thị trường, đặc biệt là điều chỉnh khối lượng đưa ra đấu thầu mỗi phiên cũng như tần suất đấu thầu. Về tổng thể, NHNN hiện đang liên tục theo dõi, đánh giá diễn biến cung cầu trên thị trường và khi còn nhu cầu bình ổn thị trường vàng thì NHNN sẽ tổ chức đấu thầu. Tần suất cũng như khối lượng đấu thầu sẽ được NHNN điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến cung cầu vàng miếng trên thị trường.

 

Trong nhiều phiên đấu thầu vàng miếng, giá trúng thầu cao hơn giá các doanh nghiệp thu mua ngoài thị thường khoảng 200.000 - 300.000 đồng/lượng. Ông có bình luận gì về diễn biến này?


Khi tổ chức đầu thầu vàng miếng thì NHNN đặt giá sàn để đấu thầu và trên cơ sở giá sàn của NHNN, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp tham gia đấu thầu sẽ tự quyết định mức giá của mình là cao hơn bao nhiêu so với giá sàn. Theo quan sát chúng tôi thấy mức giá đặt và trúng thầu của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp rất cạnh tranh và mức giá cũng khác nhau. Giá họ đặt dựa trên cơ sở kỳ vọng của họ về diễn biến của giá vàng trong thời gian tới, đặc biệt trong những ngày tiếp theo cũng như là cầu về vàng tại thị trường trong nước. Mức giá do các tổ chức tín dụng họ quyết định thì hoàn toàn dựa trên nhận định và đánh giá của họ.

 

Sắp tới, NHNN sẽ đưa ra chính sách gì để huy động hiệu quả vàng trong dân nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người có vàng, thưa ông?

Hiện nay, một số tổ chức tín dụng đang thực hiện dịch vụ giữ hộ vàng. Có thể nói, đây là dịch vụ của các tổ chức tín dụng cung cấp cho người gửi vàng và NHNN hiện giờ đang soạn thảo và dự kiến trong thời gian tới sẽ ban hành thông tư để đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động này, cũng như đảm bảo cho người dân có được những tiện ích tốt nhất từ dịch vụ bảo quản vàng miếng tại các tổ chức tín dụng.


Về vấn đề huy động vàng trong dân, có thể nói đây là một nội dung rất lớn mà NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai trong thời gian tới. Vấn đề huy động, cho vay bằng vàng đã chấm dứt, quan hệ trên thị trường chuyển sang hoàn toàn là quan hệ mua bán. Việc huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội cũng là vấn đề dài hạn và phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh tế vĩ mô cần được duy trì ổn định; giá trị của đồng Việt Nam cần được duy trì và nâng cao. Khi các cơ hội sản xuất kinh doanh, đầu tư được mở rộng thì bản thân người dân sẽ tính toán lợi ích của mình khi giữ vàng hay đầu tư. Tôi cũng cho rằng Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để chuyển hóa nguồn vàng này thành nguồn vốn để đầu tư trong nền kinh tế.

 

Theo ông, những nguyên nhân nào còn có thể gây ảnh hưởng đến giá vàng từ nay đến cuối năm?

Theo tôi việc dự báo giá vàng trong ngắn hạn là rất khó, các chuyên gia cũng như các tổ chức kinh doanh vàng lớn trên thế giới cũng đều đưa ra những dự báo cho thời gian tới. Tuy nhiên các dự báo khác nhau, nhìn về dài hạn, giá vàng cũng như giá các mặt hàng nguyên liệu phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt là chính sách tiền tệ tài khóa của các nước công nghiệp lớn. Dự kiến trong thời gian tới, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi và ngân hàng trung ương của các nước công nghiệp lớn có thể sẽ áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn. Điều này có tác động giảm giá vàng về dài hạn.



Xin cảm ơn ông!


Đỗ Huyền (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN