Kết quả từ các biện pháp tài chính, ngân sách

Theo đánh giá của Chính phủ, 9 tháng qua, nền kinh tế - xã hội đất nước đã đạt được kết quả tích cực, nổi bật ở việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, lạm phát giảm dần, thu chi ngân sách đạt kết quả tốt (giảm bội chi ngân sách xuống 4,9%), xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm... Trong đó, việc Bộ Tài chính đã và đang thực hiện nhiều biện pháp tài chính, ngân sách một cách có hiệu quả đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội (theo Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ).

Giảm chi, truy thu hàng nghìn tỷ đồng

Để phấn đấu tăng thu ngân sách 7 - 8% so với dự toán Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính đã yêu cầu ngành thuế, hải quan tăng cường quản lý thu thuế, chống thất thu thuế và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận, trốn thuế... Bộ Tài chính cũng đã kiểm tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ 3 năm liên tục (2008 - 2010) để chống chuyển giá và gian lận thuế, tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất kinh doanh và sự công bằng trong việc nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đối với mọi thành phần kinh tế.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Tính đến hết tháng 8/2011, ngành thuế đã kiểm tra 2.423 doanh nghiệp, kết luận truy thu và phạt 1.702 tỷ đồng; kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 18.592 cuộc, kết luận truy thu 1.962 tỷ đồng... Qua thanh tra, kiểm tra 107 doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính đã kiến nghị giảm lỗ, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng với số tiền là 2.230,6 tỷ đồng...

Giao dịch cho vay tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công nghiệp ký, việc thắt chặt chi tiêu công vẫn đang được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc như: Tạm dừng mua mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; không khởi công các công trình, dự án mới, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách và các dự án trọng điểm quốc gia. Đến nay, hệ thống KBNN đã phát hiện trên 34.100 khoản chi của 17.100 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng quy định thủ tục, hồ sơ; từ chối thanh toán trên 340 tỷ đồng các khoản chi không đúng chế độ.

Kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về giá

Bảo đảm an sinh xã hội
Để giảm bớt khó khăn cho người lao động, người có thu nhập thấp, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp bữa ăn giữa ca cho công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất... với điều kiện là các cơ sở này không tăng giá so với mức giá của tháng 12/2010 và không điều chỉnh giảm số lượng, chất lượng suất ăn; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với hộ cho thuê nhà có doanh thu dưới 20 triệu đồng/tháng với điều kiện các hộ này cam kết không tăng giá thuê nhà cho công nhân trong năm 2011.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: Kiểm soát giá là vấn đề rất quan trọng. Trong đó, việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành.

Thời gian qua, Bộ Tài chính vẫn ổn định giá điện để bình ổn thị trường; giá than bán cho điện tiếp tục duy trì ổn định từ tháng 3/2011. Riêng mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã quyết định làm rõ con số lỗ, lãi cụ thể trong kinh doanh mặt hàng này nhằm tránh xảy ra hiện tượng giá bán lẻ trong nước “tăng nhanh, giảm chậm” so với giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, người đứng đầu Bộ Tài chính đã đề nghị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo một số vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu để có thêm cơ sở đánh giá, xem xét, xây dựng cơ chế điều hành đối với mặt hàng quan trọng này trong thời gian tới; tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn là: Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam; Tổng Công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp.

Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và thuế đối với 7 mặt hàng quan trọng tại 21 doanh nghiệp kinh doanh thép xây dựng, xi măng, khí hóa lỏng, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường ăn, phân bón hóa học và thức ăn chăn nuôi gia súc, Bộ Tài chính đã phát hiện 4 doanh nghiệp tăng giá bán không hợp lý; 2 doanh nghiệp chi quảng cáo, tiếp thị vượt mức cho phép; kiến nghị truy thu các doanh nghiệp nộp NSNN trên 20 tỷ đồng...

Đề cập tới giải pháp kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cần tăng cường công tác quản lý giá cả phù hợp với cơ chế thị trường. Thực hiện quản lý nhà nước về giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền phù hợp với cơ chế thị trường và nguyên tắc của hội nhập kinh tế quốc tế bằng các biện pháp giám sát thị trường, kiểm soát chi phí, áp thuế. Quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc định giá, tính toán chi phí tất cả các khâu để hình thành giá các mặt hàng trong hệ thống giá bán buôn, bán lẻ từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối để chống tình trạng đầu cơ, làm giá, nâng giá quá cao so với giá trị thực của các mặt hàng.

MP - TD

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN