Kết nối cung-cầu: Hướng tới tiêu thụ sản phẩm an toàn

Chất lượng hàng hóa không ngừng đuợc nâng cao, nhà sản xuất và nhà phân phối gặp nhau, doanh thu của doanh nghiệp (DN) tăng cao… Đó là hiệu quả mà chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh (TP. HCM) và các tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

Hiệu quả cao

Hiệu quả đầu tiên dễ nhận thấy từ chương trình kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh là đã giúp nhiều DN nhỏ lẻ tại các tỉnh có chỗ đứng trên thị trường và có “đầu ra” ổn định cho sản phẩm.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang nhận định, DN nước ta hầu hết là các DN nhỏ, siêu nhỏ nên việc đi tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá rất khó khăn. Việc kết nối cung - cầu hàng hoá đã hỗ trợ DN rất nhiều trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu cho DN. Bên cạnh đó, qua chương trình DN được khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn.

“Bằng chứng là trong 4 năm tham gia chương trình tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 780 tỷ, tăng trưởng trung bình khoảng 20 – 30% trong một năm. Nhiều doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận năm trước cao hơn năm sau 2 – 3 lần. Cách làm này góp phần nâng cao chất lượng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như yêu cầu thị trường xuất khẩu khi quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng”, bà Tuyết cho biết thêm.

Các sản phẩm an toàn từ thịt heo được tiêu thụ trong các hệ thống phân phối của TP.HCM ( ảnh do Saigon Co.op cung cấp)

Đại diện Sở Công thương tỉnh Cà Mau cũng cho hay, DN trên địa bàn đa phần là nhỏ lẻ nên lượng cung ứng hàng hóa cũng có giới hạn. Tuy nhiên, nhờ có sự kết nối giữa các tỉnh thành nên nhiều mặt hàng, đặc biệt là thủy hải sản của Cà Mau đã có mặt tại một số hệ thống siêu thị.

Cũng nhờ kết nối cung- cầu có hiệu quả mà nhiều hệ thống siêu thị tư nhân cũng mạnh tay mở rộng mặt bằng không thua kém các hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nhà nước hay siêu thị nước ngoài. 

Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (An giang) chia sẻ: “Nếu không có chương trình kết nối cung – cầu chắc tôi mất sức rất nhiều vì phải tìm nguồn hàng phù hợp, chất lượng. Hiện nguồn hàng không còn là mối lo ngại. Nhờ có kết nối tốt với DN sản xuất của các tỉnh thành mà tổng doanh thu năm 2015 của hệ thống lên đến 90 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khi tham gia chương trình không hề nhỏ.


Xây dựng vùng nguyên liệu "sạch"


Ngoài việc tạo ra doanh thu của DN, việc kết nối cung cầu còn giúp các DN Việt nhỏ, siêu nhỏ tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá dễ dàng hơn. Đồng thời, chương trình này còn khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn. Cách làm này góp phần nâng cao chất lượng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như yêu cầu thị trường xuất khẩu khi quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.


Theo Sở Công Thương TP.HCM, sau 4 năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, đến hết tháng 11-2015 đã có 965 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được kí kết giữa các địa phương, trong đó có 886 hợp đồng đã được triển khai thực hiện, tổng giá trị trên 20.000 tỉ đồng. Trong đó, TP HCM tiêu thụ hàng hoá của các tỉnh, thành trị giá trên 13.500 tỷ đồng và cung ứng hàng hoá cho các tỉnh thành trên 6.500 tỷ đồng.

Nhờ chương trình kết nối cung cầu mà người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp "sạch".

“Mục đích của chương trình kết nối cung - cầu  ngoài xúc tiến giao thương giữa TP. HCM với các tỉnh thành nói chung còn tạo sự gần gũi giữa Sở Công Thương các tỉnh thành để cùng hỗ trợ DN phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tạo điều kiện cho DN cung ứng gặp gỡ trực tiếp với nhà phân phối để tìm kiếm thị trường tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, đa số sản phẩm của DN tham gia chương trình đều là sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap…”, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.


Cũng theo bà Lê Ngọc Đào, sắp tới, thành phố sẽ ưu tiên tiếp nhận phân phối sản phẩm đạt chuẩn an toàn từ các tỉnh. Một số hệ thống phân phối ở TP HCM đã có chủ trương hỗ trợ DN, nông dân hoàn thiện quy trình sản xuất, nuôi trồng; mở rộng sản xuất, cải tiến bao bì và xây dựng thương hiệu… đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính vì lẽ đó mà hàng hoá cung ứng trong các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến cuối tháng 11/2015 thành phố đã có 246 địa điểm phân phối sản phẩm đạt chuẩn an toàn.


Hoàng Tuyết
Khắc phục lệch pha cung cầu bất động sản
Khắc phục lệch pha cung cầu bất động sản

Một trong những bất cập lớn của thị trường bất động sản (BĐS) là mất cân đối cơ cấu hàng hóa. Bởi vậy, để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, nhiệm vụ tái cơ cấu thị trường bằng việc phát triển đa dạng các loại hàng hóa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN