Việt Nam đang nằm trong nhóm thị trường cận biên và trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi của FTSE Russel từ năm 2018. Vào đầu tháng 10, FTSE Russell cho biết vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi này.
FTSE Russell nhấn mạnh về sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam cho cải cách thị trường, cũng như việc đề xuất thêm các cuộc gặp giữa chính quyền địa phương và nhà đầu tư nước ngoài.
Việc nâng cấp lên thành thị trường mới nổi được dự đoán sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam đón nhận hàng tỷ USD từ các quỹ toàn cầu. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở ngưỡng 200 tỷ USD.
Giám đốc khối nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Maybank chi nhánh Việt Nam Quan Trong Thanh nhận định rằng việc FTSE Russell nâng hạng thị trường mới nổi cho Việt Nam có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 9/2025.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm 2025, được tạo động lực bởi tăng nhu cầu toàn cầu và khôi phục niềm tin người tiêu dùng nội địa.
Với kết quả tăng trưởng GDP 6,88% trong quý 3, các chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra dự báo hết sức lạc quan về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% - 6,7% của cả năm do Quốc hội đề ra gần như "chắc trong tầm tay”, thậm chí nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn có thể vượt mức 6,8% trong năm.
Bà Christine Phillpotts tại Ariel Investments chia sẻ với CNBC rằng các quốc gia như Việt Nam đang ở vị trí khá thuận lợi bởi có nợ nước ngoài thấp. Do đó, Việt Nam trở thành địa điểm tương đối an toàn cho đầu tư.
Đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), tận dụng điểm mạnh trong lắp ráp, thử nghiệm… để áp ứng nhu cầu chip toàn cầu. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.