Theo ông Zanganeh, bất cứ sự gia tăng sản lượng đơn phương nằm ngoài các cam kết của OPEC đều là vi phạm nội dung cam kết này và cảnh báo rằng những biện pháp như vậy sẽ làm suy yếu sự thống nhất của OPEC.
Vào ngày 23/6, các quốc gia thành viên OPEC đã đồng ý với Nga và các nước sản xuất dầu khác sẽ tăng sản lượng từ tháng Bảy, với Saudi Arabia (Arập Xê-út) cam kết sẽ tăng nguồn cung “một cách đáng kể” nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Các nước trong và ngoài OPEC cho biết họ sẽ thúc đẩy nguồn cung đi lên bằng cách phục hồi 100% công suất về mức trước khi thực hiện chương trình cắt giảm sản lượng sau nhiều liền tháng phải sản xuất dưới sức. Theo các quan chức OPEC, mức tăng sản lượng này có thể đạt khoản khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, một số nguồn tin thân cận đã cho biết Saudi Arabia có kế hoạch bơm tới 11 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Bảy, tăng 1 triệu thùng/ngày so với mức của tháng Năm và sẽ là mức cao nhất trong lịch sử nước này.
Iran đã mạnh mẽ thúc đẩy các nhà sản xuất dầu suy trì sản lượng ổn định trong lúc lệnh cấm vận của Mỹ được dự kiến sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Hồi tuần trước, Washington đã yêu cầu các khách hàng ở châu Á và châu Âu dần cắt giảm và chấm dứt mua dầu từ Iran kể từ tháng 11 tới. Chính quyền Mỹ cho biết rằng họ sẽ không đưa ra sự miễn trừ nào cho lệnh trừng phạt này.
Trong chiến lược nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Eshaq Jahangiri ngày 1/7 tuyên bố dầu thô của Iran sẽ được đưa ra thị trường chứng khoán và công ty tư nhân có thể xuất khẩu dầu một cách minh bạch. Hiện Iran đã mở bán dầu trên thị trường chứng khoán với khoảng 60.000 thùng mỗi ngày.