Dự án tuyến đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) thay mặt chủ đầu tư quản lý điều hành dự án và Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) là đơn vị tiếp nhận quản lý vận hành; đây là công trình năng lượng cấp đặc biệt, nhóm A.
Theo thiết kế, công trình xây dựng mới đường dây 500kV 2 mạch dài khoảng 156,78 km đi qua địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận với 304 cột. Tuyến đường dây có điểm đầu là sân phân phối 500kV của Nhà máy nhiệt điện Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối là điểm D (G36A) là điểm đấu nối Trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Theo ranh giới vận hành, tuyến đường dây đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều dài 67,527 km với 131 vị trí cột trải dài trên địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam. Đường dây 500kV đấu nối trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân có chiều dài khoảng 1,269 km với 3 cột đi trên địa bàn xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Tại công trường đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân, đoạn trên địa bàn Ninh Thuận, các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Truyền tải điện Ninh Thuận đang nỗ lực từng ngày, từng giờ cùng các đơn vị thi công, tư vấn giám sát thực hiện phối hợp kiểm tra, giám sát thi công các cung đoạn cuối cùng; thực hiện công tác nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu hành lang tuyến để kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại, phối hợp xử lý đảm bảo đủ điều kiện đóng điện đường dây.
Ông Trần Ngọc Ửng (Đội trưởng đội truyền tải điện Phan Rang) cho biết, hiện tại việc triển khai thi công lắp dựng cột đã hoàn thành 100%, kéo căng dây đã hoàn thành khối lượng công việc 80%, việc nghiệm thu hành lang tuyến đã hoàn thành thành 100%. Phần dây dẫn, cách điện, phụ kiện và cột đã nghiệm thu hoàn thành 23/30 khoảng néo, đạt 80% khối lượng công việc.
Việc nghiệm thu được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, đơn vị thi công hoàn thành đến đâu đơn vị quản lý vận hành sẽ phối hợp nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành đến đó. Dự kiến đến ngày 25/12, nghiệm thu đường dây sẽ hoàn thành 100%.
Ông Lại Hoàng Đăng (cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Xây dựng EVN Quốc tế 1, đơn vị thi công tham gia hai gói thầu số 9 và số 10 của dự án thuộc địa phận Ninh Thuận) cho biết, trên công trường công ty luôn có từ 25 - 30 công nhân làm việc liên tục, cùng đó là cán bộ kỹ thuật hỗ trợ để hoàn thành dự án đúng tiến độ mà chủ đầu tư đã giao. Hiện nay, các gói thầu xây lắp của dự án đã hoàn thành và đang tổ chức nghiệm thu để bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành là Truyền tải điện Ninh Thuận.
Dự án tuyến đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân được khởi công xây dựng vào ngày 20/7/2021, đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, điều kiện đi lại, bố trí nhân lực thi công rất khó khăn. Trong khi đó, chiều dài đường dây lớn, đi qua địa hình có đồi núi cao, phức tạp, thêm vào đó thời tiết vào các tháng cuối năm 2021 và 2022 mưa lớn kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, phối hợp giám sát và nghiệm thu công trình.
Ông Nguyễn Phùng Dũng, Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết, do tính cấp bách của dự án, Công ty Truyền tải điện 3 đã điều động nhân sự từ bốn đơn vị truyền tải điện Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận đến hỗ trợ Truyền tải điện Ninh Thuận nghiệm thu toàn bộ cung đoạn đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn nước rút. Nhờ đó đáp ứng được tiến độ nghiệm thu Công ty Truyền tải điện 3 đã phê duyệt.
Dự án đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ truyền tải công suất Trung tâm Điện lực Vân Phong; ttrong đó có nhà máy nhiệt điện Vân Phong I, các nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và sau này là Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái vào hệ thống điện Quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn và tin cậy cho miền Nam. Đồng thời, tạo mối liên kết giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, tối ưu hóa sản xuất - truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện Quốc gia.