Hội thảo nhằm tăng cường quan hệ kinh doanh song phương, khuyến khích các doanh nghiệp của hai nước đa dạng hóa các liên kết thương mại và củng cố các chuỗi cung ứng để giúp phục hồi nền kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19.
Chia sẻ tại Hội thảo, Đại sứ Canada tại Việt Nam, bà Deborah Paul cho rằng, từ khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam năm 2019, mức tăng trưởng hai nước ngày càng tăng. CPTPP đã cải thiện khả năng tiếp cận cho hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước, củng cố một bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại, giúp hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn. Điều này cũng giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại hai thị trường. Nhờ CPTPP, giá trị thương mại hàng hóa song phương giữa Canada và Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ đô la Canada (CAD) vào năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% sau hai năm Hiệp định có hiệu lực, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới thương mại toàn cầu.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN kể từ năm 2015. Với CPTPP, hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Việt Nam - Canada, Hiệp định đã mang lại những ưu đãi về thuế quan và cải thiện môi trường kinh doanh cho hai nước, giúp cho những sản phẩm của Canada về Việt Nam và ngược lại, có giá cả phải chăng hơn. Chuyên gia của hai nước có quyền lợi nhập cảnh tạm thời để thực hiện được những hợp đồng kinh doanh, đầu tư tại thị trường Việt Nam, giúp môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng minh bạch.
Cũng theo Đại sứ Deborah Paul, thương mại giữa Việt Nam và Canada có tính bổ sung cho nhau. Những sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Canada là giày dép, quần áo, máy móc; từ Canada về Việt Nam là các sản phẩm nông nghiệp, gỗ, thủy hải sản… Trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước, Canada luôn cố gắng liên kết các mục tiêu phát triển của Canada với các mục tiêu phát triển của Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa thương mại hai nước.
Hiện nay, Canada có ba sáng kiến hỗ trợ Việt Nam gồm: Sáng kiến về cơ chế hỗ trợ chuyên gia về thương mại và phát triển; sáng kiến phát triển năng lực liên quan đến thương mại và đầu tư; dự án phát triển thực phẩm sạch, tăng cường năng lực chính sách và thực thi an toàn thực phẩm, giúp thực phẩm Việt Nam ngày càng có chất lượng cao, tiếp cận được với tiêu chuẩn thế giới.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, do dịch COVID-19, năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng thương mại giữa hai bên có phần chậm lại nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với mức trung bình xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của Hiệp định CPTPP cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với Canada dù còn khiêm tốn nhưng vẫn vượt trội so với các đối tác còn lại trong CPTPP.
Năm 2019, trong khi tỷ lệ tận dụng ưu đãi CPTPP chung của xuất khẩu Việt Nam chỉ đạt 1,67%, với Canada vẫn đạt đến 8%. Điều đó cho thấy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada là một trong những mẫu hình thành công và hiệu quả nhất của việc thực hiện CPTPP. Kết quả này có được là nhờ nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và doanh nghiệp hai bên trong việc thiết lập cơ chế khai phá thị trường, kết nối hợp tác kinh doanh giữa hai bên vượt qua những trở ngại khách quan và chủ quan trong suốt hai năm qua.
Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những cơ hội CPTPP mang lại, từ đó hòa nhập được với chuỗi cung ứng quốc tế. Các doanh nghiệp Canada muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam cần thực hiện việc đánh giá và thẩm định đầy đủ khi lựa chọn đối tác địa phương.