Những năm gần đây, Đồng Nai từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa như tiêu, cà phê, điều, nhiều loại cây ăn trái đặc sản; chăn nuôi lợn và gà phát triển ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, để hướng tới nông nghiệp bền vững, Đồng Nai cần tập trung phát triển ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường; công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.
Bài 1: Nhiều lợi thế
Đồng Nai là tỉnh nằm ở Đông Nam Bộ, có điều kiện tự nhiên và vị trí thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa dạng từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến nông lâm thủy sản, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Dư địa phát triển rộng
Với điều kiện thuận lợi, Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản.
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai phân tích, mặc dù là tỉnh công nghiệp nhưng quy mô diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai vẫn còn rất lớn. Hiện tỉnh có 463.795 ha đất nông nghiệp, chiếm 79,1% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh; trong đó, có 280.764 ha đất sản xuất nông nghiệp; 171.249 ha đất lâm nghiệp có rừng; 7.889 ha đất nuôi trồng thủy sản và 3.893 ha đất nông nghiệp khác.
Hệ thống các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản cũng phát triển đảm bảo nguồn cung đầu vào phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra, Đồng Nai đã hình thành nhiều vùng sản xuất đối với cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao (bưởi, cam quýt, chuối, sầu riêng, chôm chôm, tiêu, cà phê,…); chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn, các đối tượng vật nuôi chủ lực (lợn, gà) đạt trên 90%, đặc biệt thu hút được sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp FDI chiếm 30,5% tổng đàn gà và 42% tổng đàn heo của toàn tỉnh.
Về chính sách, Đồng Nai tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt hiện nay tỉnh đang triển khai đầu tư hai cụm công nghiệp chế biến sâu tại huyện Định Quán, Cẩm Mỹ và lộ trình mở rộng Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây giai đoạn 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến nông sản và chuỗi liên kết phát triển.
Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất, chủ đầu tư dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cho biết, Đồng Nai có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận những thị trường lớn trong tiêu thụ nông sản nhất là kết nối với nhiều tuyến đường cao tốc lớn, thuận lợi đưa hàng đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác cũng như tham gia xuất khẩu.
Riêng tiêu thụ nội địa, Đồng Nai tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của khu vực phía Nam bằng nhiều tuyến đường kết nối trực tiếp như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, Xa lộ Hà Nội…
Trong xuất khẩu, hàng hóa từ Đồng Nai có thể dễ dàng tiếp cận các cảng biển lớn như Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) để ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng, khi đi vào hoạt động với công suất 100 triệu hành khách/năm sẽ là cầu nối đắc lực, hứa hẹn đưa nông sản Đồng Nai cất cánh trong tương lai gần.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Nắm bắt được lợi thế của mình, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai chủ trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở từng địa phương; trong đó, đặc biệt ưu tiên gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng địa bàn.
Ông Lê Văn Gọi cho biết, những năm qua, Đồng Nai tập trung xây dựng các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực đảm bảo tiêu chuẩn cây, con "4 có" gồm: có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao.
Cụ thể, việc xây dựng và phát triển các mô hình cánh đồng lớn không chỉ xây dựng các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ mà còn giúp sản xuất nông nghiệp đi theo quy hoạch đã đề ra và phù hợp với nhu cầu thị trường hơn. Từ nhu cầu của thị trường về chủng loại nông sản, chất lượng, sản lượng, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ tìm cách liên kết với nông dân để sản xuất. Đến nay, Đồng Nai đã cấp 108 mã số vùng trồng với quy mô hơn 23.000 ha phục vụ xuất khẩu; 71 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao trở lên, đứng đầu về số lượng trong khu vực Đông Nam bộ.
Cùng với việc định hướng sản xuất thông qua quy hoạch, để đảm bảo nâng cao ý thức của người nông dân trong việc thực hiện đúng các quy hoạch, Đồng Nai cũng đẩy mạnh việc cung cấp thông tin dự báo thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nông dân làm ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực là cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái; trong đó, có nhiều cây trồng đặc sản có tiếng trên thị trường như hồ tiêu, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, thanh long ruột đỏ...
Huyện Xuân Lộc được biết đến là một huyện thuần nông với diện tích đất canh tác gần 60.000ha. Nhờ ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến mà những năm gần đây khu vực này đã hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP như: xoài Suối Lớn; cam, quýt Xuân Hưng; sầu riêng Xuân Định; chôm chôm Bảo Hòa và nhiều sản phẩm rau củ quả của các hợp tác xã nông nghiệp.
Trong khi đó, huyện Cẩm Mỹ là địa phương xây dựng được các hợp tác xã nông nghiệp quy mô lớn. Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, liên kết trên 1.000 hộ trồng tiêu, sản xuất tiêu đạt chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang thị trường châu Âu; Hợp tác xã Đông Tây liên kết hàng trăm hộ nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn trồng ngô, phát triển vùng nguyên liệu sạch, đầu tư máy móc sơ chế cây bắp thành thức ăn chăn nuôi gia súc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có vùng trồng chuối già cấy mô Nam Mỹ xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.
Bên cạnh trồng trọt, Đồng Nai còn là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với nhiều trang trại quy mô lớn, vật nuôi chủ lực là lợn và gà chiếm 90%. Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho hay, từ năm 2016, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước làm điểm xuất khẩu thực phẩm an toàn (thịt gà) sang thị trường Nhật Bản với 9 vùng thí điểm chăn nuôi tập trung.
Đến nay, Đồng Nai đã có hàng chục trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở huyện Long Thành đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật và cung ứng cho các chuỗi nhà hàng trong nước. Ngoài gà, Đồng Nai còn là nơi tập trung các trại chăn nuôi lợn quy mô lớn phục vụ phần lớn nhu cầu tiêu dùng của Tp. Hồ Chí Minh và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm.
Bài 2: Giải quyết đầu ra ổn định