Theo đó, người thực hiện tiêu hủy phải làm chết động vật bằng điện hoặc phương pháp khác trước khi tiêu huỷ. Địa điểm tiêu huỷ theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ưu tiên chọn địa điểm tiêu huỷ hoặc tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch. Đặc biệt, không chọn địa điểm giáp với các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, chưa có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, phương tiện, dụng cụ sử dụng để vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, chất thải đến địa điểm tiêu huỷ phải có sàn kín; phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến điểm tiêu huỷ. Người tham gia vào quá trình tiêu huỷ lợn phải có đồ bảo hộ cá nhân, thực hiện vệ sinh, sát trùng để tránh lây lan mầm bệnh.
Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc kín và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển; trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong thùng chứa của phương tiện vận chuyển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng hướng dẫn phương pháp đốt cần được thực hiện các bước sau: đào hố có kích thước phù hợp với số lượng, trọng lượng xác lợn cần đốt. Xếp nguyên liệu dùng để đốt (củi, than...) xuống hố trước. Sau đó, sử dụng các thanh sắt, bê tông để làm giá đỡ trên miệng hố và cho xác lợn lên trên (bao gồm cả báo chứa và tấm lót).
Trường hợp hố bị ngập nước, xếp cả nguyên liệu đốt và xác lợn lên trên các thanh sắt, thanh bê tông sau đó tưới dầu diesel lên trên lợn để đốt hoặc bố trí máy bơm hút hết nước để đảm bảo đốt lợn thành công... Đối với các địa phương có điều kiện, có thể sử dụng lò đốt chuyên dụng để xử lý xác lợn chết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn cụ thể việc xử lý, tiêu huỷ lợn bằng phương pháp đốt cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo không làm lây lan dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.