Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu các doanh nghiệp taxi truyền thống biết hợp lực lại thì cơ hội vẫn còn ở phía trước.
Lo ngại độc quyền Thời gian qua, khi cả Uber và Grap gia nhập vào thị trường vận tải Việt Nam, với rất nhiều chương trình khuyến mãi “khủng” theo kiểu “đốt tiền” để thu hút hành khách và các đối tác lái xe, nhiều hãng taxi trong nước đã phải rơi vào tình trạng khó khăn, giảm doanh thu, lợi nhuận và cả số lượng lao động.
Ứng dụng Grab và Uber trên điện thoại di động. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), doanh thu của công ty này chỉ đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2016 và chỉ đạt 73% kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 chỉ đạt 189 tỷ đồng, giảm gần 40% so với 2016 và chỉ đạt 92,37% so với kế hoạch.
Tính riêng trong quý I/2018, doanh thu của Vinasun đạt hơn 489 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 11,5 tỷ đồng, bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Một ông lớn khác là Taxi Mai Linh cũng đang khó khăn không kém. Doanh thu của công ty trong năm 2017 chỉ đạt 1.039 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, các ứng dụng gọi xe Grab, Uber với chính sách khuyến mại bằng giá thấp, liên tục hỗ trợ cho hành khách và chủ xe, lái xe đã khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống gặp nhiều khó khăn, ngay cả với các ông lớn như Mai Linh, Vinasun…
Ông Liên cũng cho rằng, Grab mua lại Uber càng khiến cho Grab mạnh hơn, gây nhiều khó khăn hơn cho doanh nghiệp taxi truyền thống. Mặt khác, việc một mình một sân như hiện nay rất có thể sẽ tạo ra sự độc quyền. Sự độc quyền trước hết sẽ được thể hiện ở việc tăng giảm giá bất thường, đối tác lái xe sẽ không có được sự lựa chọn về mức chiết khấu…
Theo ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Taxi Hương Lúa, Uber và Grab vào Việt Nam thực hiện giảm giá cước, thậm chí còn khuyến mãi mạnh vào giờ thấp điểm, nhưng lại tăng giá rất cao trong giờ cao điểm mà không bị quản lý. Trong khi taxi truyền thống muốn tăng, giảm giá thì phải xin phép cơ quan chức năng, thực hiện dán nhãn, biểu giá…, điều này là cạnh tranh không bình đẳng.Ngoài ra, còn rất nhiều những ưu ái khác về việc cấm đường, thuế, các điều kiện kinh doanh, Grab đều thực hiện ít hơn taxi truyền thống.
“Chúng tôi cũng phải hoạt động cầm chừng để chờ những Nghị định, quy định mới từ phía cơ quan quản lý nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, kinh doanh sòng phẳng hơn. Từ đó, doanh nghiệp mới có được hướng hoạt động. Nếu tiếp tục các chính sách khuyến mại như thời gian qua, Grab có thể sẽ đánh bại toàn bộ taxi truyền thống, một mình một thị trường thì câu chuyện sẽ rất khó nói”, ông Sáu lo ngại.
Nếu cạnh tranh một cách bình đằng, điều kiện vận tải hành khách công cộng (cả công nghệ như Grab và truyền thống) như nhau thì vấn đề độc quyền hay không là không đáng lo ngại. Bởi khi đó, doanh nghiệp nào có chất lượng tốt, giá rẻ, chế độ cho nhân viên tốt thì sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Để làm rõ về vấn đề Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã quyết định điều tra sơ bộ vụ việc liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũngđã khuyến nghị, Công ty Grab cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh.
Taxi truyền thống hợp lực Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã có bước đổi mới để cạnh tranh như Công ty Mai Linh cũng đã lấn sân sang mảng “xe ôm công nghệ” – Mailinh Bike. Nhà xe Phương Trang cũng đưa ra ứng dụng gọi xe, đặt vé cho hành khách và thu hút hàng nghìn lái xe tham gia hệ thống… Nhiều ý kiến cho rằng, không quá lo ngại về vấn đề độc quyền, nếu các doanh nghiệp taxi truyền thống có được một phần mềm đủ mạnh để cạnh tranh.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp vận tải, taxi truyền thống trong nước, dù có lớn mạnh, nhưng khi cạnh tranh trực tiếp với các hãng lớn của nước ngoài, sẽ chỉ như những chiếc đũa đơn lẻ. Vì vậy, nếu không có sự liên kết, hợp lực sẽ bị bẻ gãy trong thời gian ngắn.
Rõ rằng, taxi truyền thống vẫn có được những ưu điểm mà Grab hay Uber chưa thể có được. Taxi không tăng giá vào các giờ cao điểm, hay các dịp lễ Tết, thực hiện trách nhiệm đóng thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hơn thế, taxi truyền thống chắc chắn sẽ bảo vệ quyền lợi của hành khách cũng như người lao động tốt hơn.
Câu chuyện về việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam một cách lặng lẽ, không có sự chia sẻ với người lao động, khiến cho nhiều lái xe cảm thấy bất ngờ và cũng cả bất bình. Người lao động không được hưởng các chính sách phúc lợi, hỗ trợ nào. Hay trước đó là việc Grab tăng phí đối với người lái xe cũng đã gây bức xúc cho người lao động.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, doanh nghiệp taxi truyền thống đang rơi vào giai đoạn khó khăn, nhưng nếu biết phát huy những điểm mạnh và có chính sách nâng cấp chính hình ảnh doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc gọi xe, cập nhật hành trình, thanh toán, chăm sóc khách hàng…. Đồng thời, biết đoàn kết hợp lực với nhau cùng lớn mạnh thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ ủng hộ trở lại.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho hay, khi vào Việt Nam, Grab, Uber sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường, thu hút người tiêu dùng bằng cách tung ra khuyến mại cực lớn, điều mà taxi truyền thống không thể làm được. Theo ôngNguyễn Công Hùng, với việc Grab hoạt động theo kiểu lách luật, bên cạnh các chính sách quản lý của cơ quan nhà nước thì cộng đồng doanh nghiệp taxi phải đoàn kết mới cạnh tranh được.
Các hãng taxi truyền thống vẫn đang hợp lực vượt khó. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Vị đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, có thể xây dựng một ứng dụng, như một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng chung và dùng cho tất cả các hãng taxi tại Hà Nội, để người sử dụng tham gia, lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả, chất lượng….Các ứng dụng như vậy sẽ được cập nhật hành trình, tên, hình ảnh của lái xe, các đánh giá khác về dịch vụ đi kèm…
Các doanh nghiệp taxi trước đây hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, tạo ra các ứng dụng gọi xe, kết nối của riêng doanh nghiệp mà chưa có sự đoàn kết, hợp lực.
Ông Đinh Văn Sáu cho rằng, ý tưởng về việc xây dựng một ứng dụng trung tâm đặt xe là rất tốt. Kết nối lại với nhau có thể giúp các hãng taxi tiết kiệm chi phí xây dựng ứng dụng riêng, lái xe tiết kiệm được thời gian chạy xe không có khách thông qua ứng dụng đặt xe, trong khi vẫn có các chế độ về bảo hiểm, phúc lợi. Còn đối với hành khách, có thể gọi xe ở khắp mọi tỉnh thành trên cả nước, với giá cước minh bạch, thông tin lái xe, hãng xe… đều được công bố rõ ràng.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần taxi Mai Linh, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp taxi truyền thống trong thời gian tới, khi mà Grab đang tiếp tục lớn mạnh. Đối thủ của Grab, giờ đây sẽ không còn là Uber nữa mà sẽ là những doanh nghiệp taxi truyền thống Việt Nam. Vì thế, các hãng taxi truyền thống phải đoàn kết với nhau để tạo thế cạnh tranh lại với Grab.