Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 (AEM-47) và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 22-25/8 tại Kuala Lumpur, Malaixia. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu.

Đây là sự kiện thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và 9 nước đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.

Trong khuôn khổ AEM-47, về hợp tác kinh tế nội khối, các Bộ trưởng đã tham dự Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 29, Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 7.

Về hợp tác với các đối tác đối thoại, các Bộ trưởng đã tham gia Hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 9 đối tác là Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên Nang Nga, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc, dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mê Công - Nhật Bản lần thứ 7, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và các đối tác. Các Bộ trưởng cũng tham dự Hội nghị Bộ trưởng 16 nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 3.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN khẳng định quyết tâm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, mặc dù ASEAN đang phải đối mặt với những biến động kinh tế khu vực và toàn cầu. Đến hết tháng 7 năm 2015, ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC.

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) khẳng định ưu tiên của ASEAN trong thời gian tới là thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại trong khu vực. Ưu tiên này của ASEAN cũng phù hợp với nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam.

Trên tinh thần đó, các Bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ; xây dựng cơ chế một cửa ASEAN; quyết định sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR) để cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp... Đây cũng là các nội dung hoạt động Việt Nam đã và đang triển khai tích cực.

Về hợp tác với các nước ngoài khối, chủ trương của ASEAN là tăng cường quan hệ kinh tế với các nước và khu vực đối thoại. Thực hiện chủ trương này, ASEAN đang tích cực thảo luận về việc nâng cấp và rà soát các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận dụng và hưởng lợi từ các FTA này.

Trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu đang ngày càng gắn bó, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, ASEAN đang tích cực thúc đẩy, phát huy vai trò trung tâm thông qua đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc. Đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt được tiến bộ đáng kể khi tại Hội nghị lần này. Cụ thể, Bộ trưởng các nước tham gia RCEP đã thống nhất được mô hình cam kết thuế quan ban đầu, tạo điều kiện đẩy nhanh đàm phán từ nay tới cuối năm 2015.

Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã thông qua về nguyên tắc Lộ trình tổng thể xây dựng AEC từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm xây dựng ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất và có tính liên kết cao, đảm bảo sự phát triển năng động, sáng tạo và toàn diện đồng thời chú trọng yếu tố con người và sẽ tiếp tục tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Đây là một Lộ trình hội nhập kinh tế ở mức cao trên cơ sở các kết quả hội nhập đạt được của ASEAN vào cuối năm 2015.

Theo đó, ASEAN sẽ tiếp tục rà soát hướng tới xóa bỏ các rào cản còn lại đối với sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề trong khu vực, tăng cường tạo thuận lợi cho di chuyển vốn và đầu tư để các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội trong việc tiếp cận đầu vào sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng cạnh tranh cũng là một trọng tâm trong Lộ trình này.

Với Việt Nam, thách thức lớn nhất đặt ra là tăng cường nội lực sản xuất hàng hóa chất lượng với chi phí cạnh tranh để có thể tận dụng được các cơ hội mở ra từ việc hội nhập kinh tế ASEAN cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục ký kết trong thời gian tới.

Sau 20 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ASEAN hiện đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt 42,12 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường ASEAN đạt trị giá 19 tỷ USD và chiếm 12,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới.
Hoàng Dương
Việt Nam tham gia tích cực Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 47
Việt Nam tham gia tích cực Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 47

Việt Nam chuẩn bị ký Nghị định thư khung pháp lý Cơ chế một cửa ASEAN và sẽ kết nối Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN