Triển lãm năm nay thu hút sự tham gia của hơn 300 nhà triển lãm, 600 thương hiệu và cung cấp hơn 6.000 sản phẩm chay, thuần chay và lối sống xanh. Đây là hội chợ thương mại hàng đầu trong khu vực dành riêng cho việc trưng bày và bán các sản phẩm thực phẩm chay, đồng thời là nền tảng giúp doanh nghiệp các nước tham gia vào thị trường đồ chay đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á. Sự kiện do công ty TNHH tổ chức sự kiện Baibab (Baobab Tree Event) tổ chức.
Kể từ khi thành lập vào năm 2015, VFA đã nhanh chóng trở thành hội chợ triển lãm lớn nhất Hong Kong dành cho lĩnh vực ăn chay và lối sống xanh.
Năm nay cũng là lần đầu tiên một số doanh nghiệp Việt Nam đưa đến thị trường Hong Kong những sản phẩm hữu cơ tự nhiên, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, đẩy mạnh thương hiệu, kết nối đầu tư, đưa sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường các nước phát triển.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, chị Lâm Ngọc Tú - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè - cho biết công ty mang đến triển lãm những sản phẩm được chế biến sâu từ trái dừa sáp, với 10 dòng sản phẩm. Các sản phẩm của công ty từng được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong.
Ngoài các sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa sáp, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam như cà phê, hạt điều, mỳ chũ, hoa quả sấy khô... cũng được khách hàng Hong Kong rất quan tâm.
Ông Kelvin Chau, Trưởng Đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông tại Việt Nam, chia sẻ người dân Hong Kong rất thích ăn các thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như hạt điều, cà phê, hạt tiêu do có mùi vị và hương vị hợp khẩu vị của họ. Năm nay, ông đưa một số doanh nghiệp tham gia triển lãm để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hong Kong và thông qua Hong Kong là cửa ngõ để đi vào thị trường Trung Quốc.
Ông Kelvin Chau cho biết, trong nhiều năm qua, Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông luôn đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc và Hong Kong, mới đây nhất là đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) ở Quảng Châu. Ở chiều ngược lại, hiệp hội cũng tăng cường đưa các doanh nghiệp Trung Quốc và Hong Kong sang Việt Nam tham gia triển lãm. Ông cho biết, trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 2 tỷ USD. Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông tập trung vào các sản phẩm đầu ngành của Việt Nam như cà phê, hạt điều, thủy hải sản, hạt tiêu... tại thị trường Trung Quốc.
Tất cả các gian hàng tại Hội chợ Triển lãm Thực phẩm Chay châu Á đều tập trung vào các sản phẩm chay, thuần chay, tự nhiên, hữu cơ và xanh, đồng thời khách tham quan có thể tham gia vào một loạt sự kiện sống xanh thú vị.
Hội chợ cũng phản ánh xu hướng ngày càng nhiều người quan tâm đến các sản phẩm và thực phẩm chay. Sự đa dạng này nêu bật xu hướng hướng tới một lối sống lành mạnh hơn, có ý thức hơn về môi trường và thân thiện với động vật, đang ngày càng nhận được sự hưởng ứng, đặc biệt là ở châu Á.
Hội chợ còn là diễn đàn để các chuyên gia và nhà khoa học từ nhiều khu vực chia sẻ hiểu biết về xu hướng thị trường, mô hình kinh doanh của ngành cũng như chủ nghĩa ăn chay và sức khỏe xanh.
Triển lãm thực phẩm chay châu Á lần này cũng là cơ hội để các nhà sản xuất, doanh nghiệp bán hàng có cơ hội kết nối với nhau nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm hữu cơ tự nhiên, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Năm ngoái, Hội chợ Triển lãm Thực phẩm Chay châu Á đã thu hút hơn 52.000 lượt khách tham quan.