Điều này làm tăng thêm sức ép đối với Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước các lệnh áp thuế của Washington lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số nhà quản lý mua hàng tại nước này đã giảm từ 50,8 trong tháng Chín xuống 50,2 trong tháng Mười. Bên cạnh sự sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu, tác động lớn nhất đối với hoạt động chế tạo là nhu cầu nội địa “nguội đi”. Doanh số bán ô tô và bất động sản đã giảm kể từ Bắc Kinh siết chặt kiểm soát tín dụng, để giảm bớt nợ. Nhà kinh tế Zhang Liqun nhận định sức ép suy giảm kinh tế trong ngắn hạn là khá lớn.
Các nhà kinh tế của Citigroup cho rằng Bắc Kinh cần cắt giảm thuế, nới lỏng sự kiểm soát đối với hoạt động cho vay và tiến hành thêm các biện pháp khác, để củng cố lòng tin vào khu vực tư nhân của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm tốc giữa bối cảnh Bắc Kinh chuyển hướng tập trung vào tăng trưởng bền vững dựa nhiều vào tiêu dùng nội địa, thay vì xuất khẩu và đầu tư.
NBS mới đây công bố số liệu chính thức cho thấy trong quý III/2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự đoán và chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2017, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. So với quý II/2018, GDP trong quý III của Trung Quốc tăng 1,6%, giảm so với mức tăng 1,8% ghi nhận trong quý trước đó.
Các số liệu trên cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng chậm lại, khi mà nhiều năm nỗ lực giải quyết các nguy cơ về nợ nần đang bắt đầu đè nặng lên đà tăng trưởng trong lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng đe dọa hoạt động xuất khẩu của nước này.