Hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới 

Những năm gần đây, việc sử dụng nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử) đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu các chế tài quản lý đối loại loại sản phẩm này, từ đó tạo "khoảng trống" cho thị trường chợ đen phát triển sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài khó khắc phục.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Sáng 5/7, hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo cập nhật những trao đổi mới nhất giữa các bộ ngành liên quan về chính sách kiểm soát hiệu quả các sản phẩm thuốc lá mới trên cơ sở pháp lý, nhằm ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, cũng như phù hợp với chủ trương của Chính phủ sau Quyết định số 568/QĐ-TTg. 

Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành tập trung trao đổi về tính cấp thiết của việc cần quản lý những sản phẩm thuốc lá mới đã phù hợp với Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành, và định hướng hợp pháp hóa có trách nhiệm trên cơ sở bảo vệ giới trẻ, cộng đồng.  

Thực tế, dù các sản phẩm thuốc lá mới chưa được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường chợ đen và trở nên phổ biến trong cộng đồng. Việc buôn bán mất kiểm soát, trà trộn các chất độc hại, ma túy vào sản phẩm nhằm dụ dỗ giới trẻ… hiện đang tạo gánh nặng cho các cơ quan quản lý liên quan. Đồng thời, thực trạng này đã và đang để lại cho xã hội nhiều lo ngại, nhất là khi giới trẻ đang là đối tượng chịu tác động trực tiếp. 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, theo khuyến nghị của WHO, thuốc lá làm nóng cần quản lý theo luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012. Xét trên góc độ luật trong nước, luật cũng đã nêu rõ đối với các sản phẩm chứa thuốc lá thì cần chịu sự kiểm soát dưới luật. Ngoài Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012, còn có Luật Đầu tư 2020, Nghị định 67/2013 làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng.

Theo ông Lê Đại Hải, để quản lý các loại thuốc lá mới này, cần có biện pháp và quy định chặt chẽ về quản lý chẳng hạn như tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, nhập khẩu, quy định về thu thuế, người bán, người mua cũng như quy định về nguyên tắc kinh doanh có trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Bà Lê Thuỳ Linh, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo WHO, Bộ Y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, các loại thuốc lá mới đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống. Hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là hình thức tiêu thụ thuốc lá.

Do vậy, căn cứ Điều 6 Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), WHO đã khuyến nghị các quốc gia cấm thuốc lá điện tử hoặc phải có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, hạn chế thuốc lá nung nóng. Trường hợp có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì khuyến nghị áp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng thuốc lá thông thường để đảm bảo tăng giá bán và giảm nhu cầu sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cho rằng, các loại thuốc lá thế hệ mới dù thí điểm hay chính thức đều là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc đặt các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vào khuôn khổ quy định phù hợp cũng giúp đảm bảo người dùng được tiếp cận với những sản phẩm chính danh, được kiểm soát chất lượng, tránh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thành phần bên trong sản phẩm.

Nói về tiến độ của việc áp dụng hàng lang pháp lý phù hợp cho các sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, ông Trần Thành Trung, Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2018-2019, Bộ Công Thương đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với mặt hàng này. Cụ thể, Bộ dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới trên cơ sở tiếp tục trao đổi để thống nhất với Bộ Y tế về dự thảo Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá, đề xuất quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành như khuyến nghị của WHO. Đối với thuốc lá điện tử do tính chất đa dạng về sản phẩm có thể có hoặc không có nicotine, cũng như không có nguyên liệu thuốc lá nên sẽ cần thẩm định về tính pháp lý trước khi thống nhất phương án kiểm soát phù hợp.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã làm việc với Bộ Y tế để nghiên cứu và làm rõ cơ sở pháp lý đánh giá các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Cùng với đó, Bộ cũng làm việc với Bộ Công An, Bộ Quốc phòng trong thời gian thuốc lá thế hệ mới chưa được phép lưu thông. 

"Hiện nay, thuốc lá thế hệ mới chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành nhưng đã được bày bán trên thị trường và tiếp cận dễ dàng, những sản phẩm này đa phần là sản phẩm xách tay, nhập lậu, không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc. Việc mua bán và quảng cáo các sản phẩm này đều là vi phạm quy định của pháp luật. Hệ quả là nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thuốc lá thế hệ mới lại không tiếp cận được những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không được kiểm soát về chất lượng dẫn tới ảnh hưởng đến sức khoẻ”, ông Trần Thành Trung cho hay.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có văn bản xin ý kiến bộ ngành. Bộ dự kiến sẽ thí điểm sản xuất kinh doanh thuốc lá làm nóng trong 5 năm sau đó có đánh giá và báo cáo Chính phủ. 

 

Thu Trang/Báo Tin tức
Tạm giữ gần 600 sản phẩm, phụ kiện thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất
Tạm giữ gần 600 sản phẩm, phụ kiện thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất

Quản lý thị trường Vĩnh Phúc và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra và phát hiện cửa hàng Hoang De Store - Vapepod systeam đang bày bán, kinh doanh hàng hoá gồm gần 600 sản phẩm phụ kiện thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN