Theo đó, công điện nêu rõ: Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các Ban quản lý dự án, các nhà thầu, đơn vị tư vấn trong công tác tổ chức thi công để thông xe kỹ thuật các dự án, đáp ứng cơ bản mục tiêu phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật”.
Tuy nhiên, qua theo dõi tiến độ thi công các dự án sau dịp Tết Nguyên đán cho thấy, việc triển khai đồng bộ các dây chuyền, huy động nhân lực, thiết bị, đảm bảo đầy đủ các mũi thi công của các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi khối lượng các hạng mục cần hoàn thiện còn lại rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn của các nhà thầu, tư vấn và Ban quản lý dự án. Đặc biệt, còn một số gói thầu chậm triển khai thi công các hạng mục mặt đường, có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu.
Để đảm bảo hoàn thành bàn giao đưa các dự án vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các lãnh đạo các Ban quản lý dự án trực tiếp có mặt tại hiện trường đến khi hoàn thành dự án để chỉ đạo điều hành công tác tổ chức thi công của các đơn vị, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về kết quả thực hiện.
Các Ban quản lý dự án cần chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa mặt đường trước ngày 31/3/2023, hoàn thiện các hạng mục còn lại (nút giao, cầu vượt ngang, hệ thống an toàn giao thông …) đảm bảo đưa công trình vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án tăng cường kiểm tra, giám sát công tác huy động, tổ chức thi công của các nhà thầu theo tiến độ đã cam kết hàng tuần; có văn bản cảnh cáo đối với các nhà thầu chậm tiến độ. Nếu nhà thầu không khắc phục, tiếp tục chậm trễ, phải xử lý nghiêm theo quy định hợp đồng và có phương án triển khai, đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch.
Đối với việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, các Ban quản lý dự án kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu, đảm bảo nguồn lực thi công.
Đối với các nhà thầu thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu huy động đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị, nguồn lực tài chính, triển khai và duy trì liên tục, đầy đủ, đồng bộ các mũi thi công trên tuyến để tổ chức thi công hoàn thành các gói thầu theo tiến độ cam kết; nghiêm cấm việc tự ý đưa máy móc, thiết bị, nhân lực ra khỏi công trường khi chưa được sự chấp thuận của Ban quản lý dự án;
Các nhà thầu thi công phải thực hiện ngay các thủ tục giải ngân đối với các khối lượng đã đủ điều kiện thanh toán; lãnh đạo các nhà thầu đảm bảo dòng tiền cho công trường, không làm gián đoạn việc thi công.
Cùng với đó, phối hợp với Ban quản lý dự án làm việc, bám sát các bộ, ngành và địa phương để sớm hoàn thành việc gia hạn các mỏ đất đắp cấp cho dự án; chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu hợp pháp đáp ứng tiến độ thi công, hoàn thành các hạng mục, đảm bảo điều kiện khai thác.
Về quản lý chất lượng thi công, an toàn lao động, vệ sinh môi trường..., Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ thể tham gia dự án tuân thủ phương án, trình tự tổ chức thi công, chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế đã được duyệt; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 19/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông Vận tải.
Ban quản lý dự án, nhà thầu, các đơn vị rà soát, hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình; làm việc với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để có kế hoạch kiểm tra, hoàn chỉnh các tồn tại (nếu có),… đảm bảo hoàn thành mọi thủ tục đưa các dự án vào khai thác trước ngày 30/4/2023.