Theo lộ trình thu phí thẻ ATM của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2014, các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép thu 2.000 đồng/lần phí rút tiền nội mạng. Theo các ngân hàng, sau một thời gian dài đầu tư, đã đến lúc họ được “hái quả”. Tuy nhiên, do chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện nên khách hàng vẫn chưa hài lòng khi các ngân hàng đưa ra các loại phí.
Đủ loại phí...
Thực hiện đề án thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN giai đoạn 2011-2015, trong nhiều năm qua các ngân hàng đã đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, như: thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại; nạp tiền; chuyển khoản nội bộ, liên ngân hàng qua ATM, SMS; dịch vụ nhờ chi, nhờ thu các hóa đơn dịch vụ, thu hộ thuế qua tài khoản; xây dựng và phát triển kênh thanh toán: POS, SMS, internet banking, mobile banking… Theo đó, nhiều dịch vụ, nhất là các giao dịch nội mạng, không bị tính phí.
Tuy nhiên, theo Thông tư 35 của NHNN, các NHTM được phép thu phí tất cả các giao dịch, kể cả phí rút tiền ATM nội mạng. Như vậy, khi giao dịch qua ATM, khách hàng sẽ phải trả các loại phí như phí rút tiền nội mạng, chuyển khoản, in sao kê, vấn tin tài khoản... Đồng thời, khách hàng còn mất phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí cấp lại mã PIN, phí cấp lại thẻ, phí xác nhận số dư tài khoản thẻ… Chẳng hạn, tại ngân hàng Vietcombank, mức phí chuyển khoản, nộp tiền hoặc rút tiền nội mạng tại quầy nhưng khác tỉnh, thành phố là 11.000 đồng/lần đến 1.100.000 đồng/lần...
Rút tiền tại quầy cùng tỉnh/thành phố là 11.000 đồng/lần; trên máy ATM cùng hệ thống là 1.100 đồng/lần, khác hệ thống ngân hàng là 3.300 đồng/lần. Trên hệ thống Internet Banking, thay vì miễn phí như trước, đầu năm 2014 Vietcombank cũng đã thu phí chuyển tiền nội mạng là 3.300 đồng/giao dịch, ngoại mạng 11.000 đồng/giao dịch. Sử dụng dịch vụ SMS banking, báo số dư qua tin nhắn điện thoại, mỗi tháng, khách hàng của Vietcombank phải chi 8.800 đồng...
Trong khi đó, với giao dịch rút tiền tại quầy bằng tài khoản ATM, phí dịch vụ của Vietinbank cao gấp đôi các ngân hàng khác với mức phí thấp nhất là 22.000 đồng/lần. Đối với chuyển khoản trên SMS và Internet Banking, nếu vượt hạn mức 5 triệu đồng/lần giao dịch, mức phí sẽ là 0,06% trên số tiền vượt, thấp nhất là 3.300 đồng/lần.
Với ngân hàng ACB, tất cả các mức phí chuyển/rút/nộp tiền cùng hệ thống nhưng khác tỉnh/thành phố đều mất thấp nhất 15.000 đồng/lần.
Chất lượng dịch vụ phải tương xứng
Các NHTM thu phí nội mạng “mạnh tay” đa số đều là các “ông lớn”, khách hàng đông. Còn các NHTM đang cần phát triển, mong muốn mở rộng khách hàng, thị phần thì chưa triển khai thu các loại phí này.
Ngân hàng MHB đang miễn phí giao dịch nội mạng đối với tất cả các khách hàng sử dụng thẻ ATM, miễn phí giao dịch chuyển khoản nội bộ trên ATM. Ngoài ra, hạn mức giao dịch mỗi lần 10.000.000 đồng và tối đa trong ngày 30.000.000 đồng đối với chủ thẻ MHB E-cash được xem là loại thẻ thuộc dạng ưu đãi nhất trên thị trường hiện nay. “Bên cạnh việc không ngừng nâng cấp, cải tiến hệ thống kỹ thuật để đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, MHB vẫn áp dụng mức phí ưu đãi cũ cho khách hàng. Mức phí này phù hợp với khách hành có thu nhập trung bình”, bà Nguyễn Thiên Kim, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng MHB, cho biết.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng, ngân hàng đã thu phí dịch vụ thì chất lượng dịch vụ phải được nâng lên. Thế nhưng, thực tế không như vậy. Chị Hoàng Mai, ngụ tại quận 3, than thở: “Đã nhiều lần đi rút tiền qua ATM vào dịp cuối tuần tôi gặp cảnh đụng đến máy nào thì máy báo lỗi hoặc hết tiền. Ngay cả trong ngày làm việc, máy ATM nằm ngay cạnh cổng ngân hàng cũng báo lỗi, buộc tôi phải vào quầy giao dịch. Không chỉ thế, phí giao dịch tại quầy còn cao hơn 10 lần tại máy”. Chưa kể, nhiều khách hàng than phiền phải "ngậm đắng nuốt cay" khi rút phải tiền xấu (rách, thủng, cháy…) từ các máy ATM.
Theo giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng, thực tế các khoản phí đang áp dụng với các khách hàng sử dụng thẻ, sử dụng các dịch vụ Internet Banking, SMS banking... chỉ bù đắp được phần nào chi phí đầu tư công nghệ, chi phí vận hành hệ thống ATM, POS của các ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng phải mua máy ATM từ nước ngoài và phải thuê kỹ sư nước ngoài để bảo trì, thuê điểm lắp đặt, chi phí đường truyền, bảo vệ máy ATM, bảo hiểm điện (phục vụ hoạt động của ATM, máy điều hòa, máy phát điện) và chi phí vốn của lượng tiền đặt trong máy ATM.
Chính vì vậy, nhiều ngân hàng cho rằng, đã đến lúc họ phải được “hái quả”. Theo tính toán của một ngân hàng lớn, khoản phí dịch vụ thường chiếm từ 10-15% doanh thu của ngân hàng.
Hải Yên